Cân nhắc nguồn cung nguyên liệu
Trong văn bản gửi các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu và doanh nghiệp (DN) sản xuất xuất khẩu mới đây, Bộ Công thương đề nghị các hiệp hội ngành hàng khuyến cáo DN đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, hạn chế phụ thuộc vào một thị trường nguyên liệu nhập khẩu; bảo đảm nguồn gốc nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tránh gian lận xuất xứ hàng hóa.

Bộ Công thương khuyến cáo DN sản xuất xuất khẩu đa dạng nguồn cung nguyên liệu
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Với DN, Bộ yêu cầu cân nhắc nguồn cung nguyên liệu, bảo đảm yêu cầu của nhà nhập khẩu cũng như truy xuất nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Bộ Công thương nêu rõ, tình hình thương mại quốc tế diễn biến nhanh và khó lường trong bối cảnh Mỹ áp dụng chính sách thuế quan đối với nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả VN. Thế nên, để không bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN, việc kiểm soát nghiêm ngặt nguyên liệu đầu vào được xem là giải pháp chủ động ứng phó, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa VN và các đối tác mà không làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong nước.
Khuyến cáo của Bộ Công thương tập trung vào các ngành hàng sản xuất xuất khẩu đang bị phụ thuộc vào một số thị trường nguyên liệu đầu vào cũng như đối diện nguy cơ dễ bị lẩn tránh xuất xứ như dệt may, da giày, gỗ và đồ gỗ... Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội may thêu đan TP.HCM, cho biết đã nhận văn bản khuyến cáo của Bộ và cũng đã thông tin quán triệt đến DN hội viên.
"Hiện ngành dệt may đang nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu từ nước ngoài, còn lại là mua trong nước. Mấy năm qua, các DN cũng cố gắng đa dạng hóa nguồn nguyên liệu bởi xuất khẩu hàng may mặc muốn có ưu đãi phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. Các công đoạn từ sản xuất vải đến hoàn thiện sản phẩm phải được thực hiện tại VN hoặc vải phải nhập từ các nước trong cùng khối có hiệp định thương mại tự do. DN làm hàng đi thị trường nào phải đáp ứng đúng yêu cầu xuất xứ của thị trường đó. Theo tôi, lưu ý của Bộ Công thương trong giai đoạn này là cần thiết, ngoài việc đa dạng hóa thị trường nguyên phụ liệu, DN và ngành cần cẩn trọng với hành vi vải không rõ xuất xứ bị tuồn vào VN theo đường tiểu ngạch. Chúng tôi coi việc chống lẩn tránh xuất xứ không còn là câu chuyện của ngành mà là vấn đề quốc gia, tôi mong muốn các ngành, địa phương cẩn trọng điều này", ông Phạm Xuân Hồng nhấn mạnh.
Một số DN sản xuất hàng may mặc và da giày bổ sung, nỗ lực đa dạng hóa nguồn nguyên phụ liệu của ngành rất lớn nhưng đôi khi "lực bất tòng tâm". Chẳng hạn, giá một số mặt hàng nguyên liệu từ Thổ Nhĩ Kỳ có khi cao hơn 30 - 50% so với hàng mua từ các thị trường khác. Hơn nữa, đầu tư vào ngành phụ liệu dệt may đôi khi chưa được chú trọng do là ngành thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường… nên không có chính sách thu hút.
"Qua đây, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần lưu tâm đến ngành sản xuất phụ liệu dệt may, để DN sản xuất xuất khẩu có cơ hội chủ động nguồn cung đầu vào từ trong nước nhiều hơn", ông Phạm Xuân Hồng nhấn mạnh.
Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) Phùng Quốc Mẫn thừa nhận vấn đề Bộ Công thương lưu ý cũng là trăn trở của nhiều DN lâu nay. Các hội ngành nghề có mặt hàng dễ bị vướng vào nguyên tắc xuất xứ, lẩn tránh… đều đưa ra cảnh báo rất quyết liệt từ nhiều năm qua.
"Các hội viên của HAWA không lo ngại vấn đề về xuất xứ, lẩn tránh, bởi nguồn nguyên phụ liệu các DN nhập khẩu đều tuân thủ cao yêu cầu về xuất xứ của các thị trường. Các hội ngành nghề nói chung vẫn liên tục cảnh báo, nhưng nguy cơ vẫn luôn rình rập vì một số mã hàng hóa bị vướng vào kiện chống bán phá giá, lẩn tránh xuất xứ… ảnh hưởng đến ngành rất lớn. Theo tôi, đây là vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải vào cuộc để nâng cảnh báo thành vấn đề an toàn thương mại quốc gia. Các địa phương cần nói không với những nhà đầu tư vào VN xin cấp phép sản xuất xuất khẩu nhưng thực chất là chỉ thực hiện công đoạn cuối đơn giản tại VN. Đó là hành vi lẩn tránh xuất xứ cần nghiêm trị, là những con sâu làm rầu nồi canh", ông Phùng Quốc Mẫn lưu ý.
Thu hút đầu tư vào nguyên phụ liệu có chuyển giao công nghệ
Theo HAWA, để làm cho rõ các hành vi lẩn tránh xuất xứ, ngay lúc này phải cho kết nối các cơ quan hải quan, thuế, đơn vị cấp xuất xứ, địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp có DN sản xuất xuất khẩu những mặt hàng có kim ngạch lớn sang Mỹ và công an kinh tế… ngồi lại với nhau, rà soát thông tin về các DN nghi ngờ có hoạt động lẩn tránh xuất xứ. Nếu làm quyết liệt, sẽ lôi ra "con sâu" làm ảnh hưởng nền thương mại nước nhà.
"Đầu tư vào ngành nguyên phụ liệu cần công nghệ cao, tài chính lớn. Trong giai đoạn hiện nay, có thể thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, đặc biệt phải có quy định buộc nhà đầu tư chuyển giao công nghệ. Khi tự chủ được phần lớn nguồn nguyên phụ liệu, DN làm hàng xuất khẩu sẽ tự tin hơn để phát triển và đẩy lùi được các vụ kiện lẩn tránh xuất xứ", ông Mẫn nhấn mạnh.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, cho rằng việc phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu hay nhập khẩu đều gây rủi ro rất lớn cho sản xuất công nghiệp của VN, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững. Còn nhớ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cung ứng nguyên phụ liệu khiến sản xuất tại nhiều nước đứt gãy, trong đó có VN. Rút kinh nghiệm từ đó, nhiều công ty đa quốc gia đã ngồi lại cùng phân chia lại chuỗi cung ứng. Nhiều DN Việt trong ngành dệt may, da giày, máy móc… cũng có chiến lược thay đổi thị trường cung ứng nguyên liệu nhằm giảm bớt rủi ro khi bị truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Tuy vậy, tốc độ thay đổi thị trường cung ứng của ta còn chậm do khó khăn công nghệ, nguồn tiền…
Trong bối cảnh hiện nay, ông Lạng nhấn mạnh: "Không chỉ có khuyến cáo, vấn đề sống còn với hàng xuất khẩu VN qua Mỹ phải minh bạch cáo buộc lẩn tránh xuất xứ để việc đàm phán thuế trong thời gian tới không bị ảnh hưởng. Muốn vậy, phải đấu tranh từ công tác hậu kiểm ở cấp địa phương, cơ sở là rất quan trọng. Tương tự như trong các khu công nghiệp, ban quản lý khu công nghiệp không thể không nắm DN đang nhập khẩu nguyên liệu hay thành phần đưa vào nhà máy... Với DN sản xuất xuất khẩu, việc đa dạng hóa nguồn nguyên phụ liệu đầu vào không dễ bởi giá thành cao, nhưng cần có sự chọn lựa, tồn tại hay là chết. Phải giảm phụ thuộc vào nguyên phụ liệu của một vài quốc gia. Gần đây, với ngành dệt may, ghi nhận cho thấy nhiều DN tăng mua nguồn vải từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc. Tôi nghĩ chiến lược đa dạng hóa nguồn cung của DN cần được ghi nhận và có sự hỗ trợ từ phía nhà nước".
Quy mô ngoại thương của VN xấp xỉ 800 tỉ USD vào năm 2024 và dự báo sớm đạt mốc 1.000 tỉ USD. Hiện VN đã lọt vào top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Tuy vậy, kèm theo đó là những rủi ro liên quan đến xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp… Đến nay, đã có 282 vụ việc liên quan hàng hóa từ VN bị điều tra phòng vệ thương mại của 25 thị trường và vùng lãnh thổ.