Doanh nghiệp

Giá gạo Việt lại đứng đầu thế giới

Tóm tắt:
  • Nhu cầu nhập khẩu gạo truyền thống từ Philippines và châu Phi tăng mạnh, đẩy giá lúa gạo nội địa Việt Nam lên cao.
  • Giá gạo đặc sản ST25 tăng lên 1.200 USD/tấn do sản lượng thấp và nhu cầu nội địa, xuất khẩu cũng tăng.
  • Việt Nam giữ vị thế lớn tại thị trường Philippines và châu Phi, với nhiều khách hàng truyền thống mua gạo tăng.
  • Gạo Việt hướng đến phân khúc cao cấp toàn cầu, cần cải tiến sản xuất để đáp ứng yêu cầu chất lượng và an toàn.
  • Giá gạo thơm đặc sản Thái Lan giảm mạnh, trong khi giá gạo Việt Nam vẫn duy trì mức cao ổn định.

Gạo ST25 giá 1.200 USD/tấn

Trên thị trường châu Á, giá gạo tuần này đã trở lại đúng như trật tự vốn có trước đây. Cụ thể, đối với loại gạo tiêu chuẩn 5% tấm, giá của VN đang cao nhất với 397 USD/tấn, còn Thái Lan là 395 USD/tấn, Pakistan là 387 USD/tấn và Ấn Độ là 376 USD/tấn.

Tại các tỉnh ĐBSCL, nhiều thương nhân cho biết giá gạo 5% tấm của VN từ đầu tháng 4 đã vượt ngưỡng 400 USD/tấn, nhưng gần đây giảm nhẹ do biến động tỷ giá. Thực tế giá lúa gạo đang có xu hướng tăng, đặc biệt là các mặt hàng gạo thơm chất lượng cao. Theo các doanh nghiệp, do vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm đã kết thúc nên lượng hàng hóa ít. Ngược lại các khách hàng truyền thống, đặc biệt là Philippines và các nước châu Phi đang có nhu cầu cao.

Ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), thông tin: Giá nguyên liệu gạo ST25 đang ở mức 25.000 đồng/kg, tăng đến 6.000 đồng/kg so với tháng trước. Do đó, giá gạo xuất khẩu lên đến 1.200 USD/tấn (giá FOB tại cảng TP.HCM). Nguyên nhân do vụ đông xuân vừa qua sản lượng lúa ST25 ít, nhu cầu nội địa với mặt hàng này rất cao. Bên cạnh đó, các mặt hàng gạo thơm cũng tăng mạnh so với trước như OM 5451 giá 530 USD/tấn, ĐT8 là 540 USD/tấn…

Giá gạo Việt lại đứng đầu thế giới- Ảnh 1.

Nông dân miền Tây bắt đầu có xu hướng trữ lúa chờ giá

ẢNH: CÔNG HÂN

Đặc biệt, nhu cầu gạo từ các đối tác lớn của VN vẫn rất cao. Theo Bộ Công thương: Nhiều năm qua, Philippines nhập khẩu gạo chủ yếu từ VN, với thị phần chiếm khoảng từ 80 - 85%, từ Thái Lan khoảng 10%, phần còn lại được nhập khẩu từ các nước Ấn Độ, Paskistan, Bangladesh và quốc gia khác. Chính phủ Philippines thời gian qua cũng nỗ lực tìm cách đa dạng hóa nguồn cung gạo và loại gạo nhập khẩu. Đáng chú ý là ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại gạo với Campuchia, dù vậy thỏa thuận này sẽ không mang lại nhiều hiệu quả.

"Năm 2025, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao, dự báo ở mức khoảng 4,9 triệu tấn, thậm chí trên 5 triệu tấn. Gạo VN vẫn sẽ là nguồn nhập khẩu chính của Philippines. Dù muốn hay không, trong thời gian tới Philippines vẫn phụ thuộc vào nguồn cung gạo của VN", theo báo cáo từ Thương vụ VN tại Philippines.

Tương tự, trong báo cáo phân tích thị trường tháng 4 vừa phát hành, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông tin: Các nước châu Phi sẽ trở thành những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2025. Trong số này có nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu là khách hàng truyền thống của VN. Cụ thể như Bờ Biển Ngà là quốc gia nhập khẩu gạo nhiều thứ 2 ở châu Phi với 1,8 triệu tấn. Theo Hải quan VN, năm 2024, Bờ Biển Ngà nhập khẩu đến 483.000 tấn gạo, giá trị 286 triệu USD và là khách mua gạo lớn thứ 5 của VN. Còn trong quý 1 năm nay, Bờ Biển Ngà với thị phần 16,3% đã vươn lên trở thành khách mua gạo lớn thứ 2 của VN chỉ sau Philippines 42,1%.

Bên cạnh Bờ Biển Ngà, trong năm 2024, Ghana là khách mua gạo lớn thứ 4 của VN với sản lượng 613.000 tấn, tăng 4,3% và kim ngạch đạt 424 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1/2025, Ghana với thị phần 10,2% tạm xếp thứ 3 sau Bờ Biển Ngà. Có thể thấy, các đối tác này đều đang tăng mua gạo Việt.

Hướng đến thị trường cao cấp, bền vững

Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo quốc tế SS Rice News, cho biết: Nhu cầu tiêu thụ gạo trên toàn cầu vẫn cao từ thị trường bình dân đến cao cấp. Gạo VN đang ở phân khúc trung bình cao và hướng đến phân khúc cao hơn kèm theo giá trị và thương hiệu. Ở phân khúc này, nhu cầu đang rất cao, đặc biệt là Nhật Bản, Mỹ và EU. Đơn cử, cơn sốt giá gạo chưa từng có ở Nhật Bản kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính phủ nước này phải sử dụng cả kho dự trữ cho các trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, tại một hội thảo mới đây ở Cần Thơ chỉ một doanh nghiệp của VN có xuất khẩu gạo vào thị trường này với số lượng khiêm tốn 5.000 tấn trong năm 2024. Mục tiêu trong năm 2025 tăng lên gấp đôi là 10.000 tấn. Còn tại Mỹ, Thái Lan mỗi năm xuất khẩu khoảng 850.000 tấn gạo trong đó có đến 750.000 tấn là gạo thơm, trong khi gạo VN chỉ có 20.000 - 30.000 tấn. Điều tương tự cũng được ghi nhận tại EU, nơi có nhu cầu nhập khẩu đến khoảng 2 triệu tấn gạo mỗi năm. Các con số này cho thấy, tiềm năng ở phân khúc cao cấp rất lớn.

"VN muốn xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị cho hạt gạo cần phải nhắm đến các thị trường cao cấp này. Để vào được những thị trường này thì đòi hỏi phải tiếp tục cải tiến sản xuất theo hướng bảo đảm chất lượng, an toàn", bà Hương lưu ý.

Tân Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) Đỗ Hà Nam phân tích: Yếu tố quan trọng khiến giá gạo tăng nhanh như vậy do nguồn cung của chúng ta không có tình trạng dư thừa. Các khách hàng truyền thống luôn có nhu cầu cao và ổn định với gạo VN. Hiện tượng giá giảm là do một số doanh nghiệp tranh bán nên giảm giá. Điều này tạo điều kiện cho khách hàng dựa vào đó ép giá những đơn vị khác và cuối cùng tạo ra một đợt giảm giá mạnh. Nên sau khi Thủ tướng có công văn chỉ đạo là gạo tăng giá trở lại liền.

"Đối với những thị trường cao cấp, ở Mỹ hiện sản lượng của chúng ta mới chỉ 30.000 tấn và thị trường Nhật Bản còn ít hơn rất nhiều. Để xuất khẩu vào những thị trường này, điều quan trọng là chúng ta phải chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, kiểm soát chặt vấn đề dư lượng hóa chất", ông Nam nhấn mạnh.

Giá gạo đặc sản Thái Lan giảm mạnh

Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết giá các loại gạo thơm đặc sản của nước này đồng loạt giảm. Giảm sâu nhất đến 43 USD đối với mặt hàng gạo Jasmine xuống chỉ còn 737 USD/tấn. Còn gạo Hom Mali niên vụ 2024 - 2025 giảm 19 USD còn 988 USD/tấn; gạo Hom Mali niên vụ 2023 - 2024 giảm 22 USD còn 1.180 USD/tấn.

Các tin khác

Tỷ phú Elon Musk lại nhận tin buồn

Sự sụt giảm mạnh về doanh số, lo ngại từ nhà đầu tư về hình ảnh thương hiệu và tác động từ chính trị đang phủ bóng lên tương lai của hãng xe điện Tesla.

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

VietinBank tự hào được vinh danh “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” trong 5 năm liên tiếp, khẳng định vị thế tiên phong trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam. VietinBank không ngừng đổi mới và cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng doanh nghiệp.

Miền Bắc, miền Trung nắng nóng đỉnh điểm

Hôm nay và ngày mai (21-22/4) là đỉnh điểm đợt nắng nóng đang diễn ra ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung với nhiệt độ dự báo cao nhất miền Bắc từ 35-37 độ, miền Trung 36-38 độ. Nhiệt độ thực tế có thể cao hơn 2-4 độ. Chỉ số tia UV ở ngưỡng rất có hại. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay cũng chìm trong nắng nóng.

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Ủng hộ CSGT ghi hình bắn tốc độ lúc nửa đêm

Nhiều ý kiến ủng hộ và cho rằng việc CSGT tăng cường kiểm tra tốc độ, đặc biệt vào ban đêm khi đường vắng, là cần thiết để ngăn chặn tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.