Tăng khả năng phát triển kinh tế
Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum) năm 2017, thế giới có 152 nước và vùng lãnh thổ có biển, trong đó có VN. Hoạt động lấn biển có từ rất sớm và mục tiêu đầu tiên không phải "mở rộng bờ cõi" để phát triển kinh tế mà nhằm xây nên những công trình có tác dụng như đê kè chắn sóng, ngăn nước biển, phòng chống xói lở bờ biển.
Điển hình là Hà Lan - quốc gia nằm phía tây bắc châu Âu được biết đến như một đất nước nằm thấp nhất so với mực nước biển trên thế giới. Với khoảng 26% diện tích lãnh thổ nằm thấp hơn mực nước biển, từ thế kỷ 13, người Hà Lan đã sử dụng giải pháp đê biển, kè biển để từng bước sử dụng phần đất thấp và lấn biển phía trong đê/kè. Tính đến nay, khoảng 21% dân số Hà Lan hiện đang sinh sống trong những vùng đất "ở dưới mặt biển". Phần lớn diện tích đất ở Hà Lan hiện đều là vùng đất lấn biển.
Theo sau đó, Nhật Bản lấn biển từ thế kỷ 15. Một trong những thành tựu lấn biển điển hình của Nhật Bản là sân bay mới được lập ngoài khơi Kansai (TP.Osaka). Một kiểu "đảo sân bay" nhân tạo duy nhất trên thế giới với tư tưởng mới không chỉ lấn biển (kiểu bán đảo) mà còn tiến sâu ra biển (kiểu đảo mới). Bên cạnh những thành tựu đáng ngưỡng mộ về kiến trúc và kỹ thuật, sân bay Kansai còn là một trong những trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất tại châu Á.

Khai thác kinh tế biển là cơ hội tăng tốc để các địa phương phát triển mạnh hơn
ẢNH: BÁ DUY
Tại VN, khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về xói, sạt lở bờ biển, xâm nhập mặn, sụt lún đồng bằng, nước biển dâng… Một báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (SIWRR) năm 2022, cho thấy ĐBSCL có khoảng 286 km trong tổng 744 km đường bờ biển đang trong tình trạng sạt lở và sạt lở nghiêm trọng. Cơ quan này đánh giá, việc sạt lở, xói mòn bờ biển đã khiến diện tích canh tác, nuôi trồng, sinh kế của người dân đang dần thu hẹp lại. Để hạn chế vấn đề này cần nhiều giải pháp. Nhưng điều đó cho thấy trong khi đất liền bị thu hẹp thì phải tiến ra biển, phát triển kinh tế biển để bảo đảm đời sống của người dân.
TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng từ trước đến nay, ĐBSCL vẫn đặt nặng phát triển hướng theo kinh doanh nông nghiệp trên nền tảng sinh thái bản địa. Nhưng diện tích đất liền của khu vực này chỉ khoảng 40.000 km2 và kinh doanh nông nghiệp có giá trị kinh tế thấp và tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) của khu vực này cũng thấp hơn các vùng miền khác trên cả nước. Trong khi đó, diện tích ven bờ và kinh tế biển của khu vực này rất lớn, ước tính gấp từ 9 - 10 lần diện tích đất liền với gần 400.000 km2.
Trên thế giới, trong 2 - 3 thập niên qua các nước đã xúc tiến phát triển kinh tế biển rất mạnh. Chính vì vậy việc phát triển ĐBSCL phải bao gồm phát triển kinh tế hướng ra biển đảo. Đó là các lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy - hải sản, du lịch và dịch vụ biển, phát triển vận tải hàng hải và dịch vụ logistics cũng như thúc đẩy các đô thị biển theo hướng phát triển công nghệ cao như tinh luyện cát silic từ cát biển để cung cấp cho các ngành công nghệ cao như bán dẫn…
"TP.Nha Trang chỉ có đường bờ biển dài hơn 7 km nhưng kinh tế phát triển bằng 3 - 4 tỉnh miền Tây. Hay Kiên Giang là một trong 3 tỉnh thuộc ĐBSCL có bờ biển thì giá trị sản xuất cao nhất khu vực vì đã phát triển được dịch vụ du lịch ở Phú Quốc… Đảng và Chính phủ đã có chủ trương phát triển kinh tế biển đảo và điều này cần thực hiện, thúc đẩy mạnh hơn để phát triển kinh tế của các địa phương trên cả nước", TS Đặng Kiều Nhân chia sẻ.
Quy hoạch tốt và thúc đẩy liên kết thực hiện
Ủng hộ chủ trương tiến ra biển, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu phân tích: Từ thuở sơ khai, ông cha ta đã lấn biển dưới nhiều hình thức như một cách để chế ngự thiên tai. VN có lợi thế với hơn 3.200 km bờ biển, có những thời kỳ biển tiến và thời kỳ biển thoái. Việc lấn biển nương vào tự nhiên, xây dựng nên những đô thị lấn biển hoặc công trình hạ tầng mang tính biểu tượng không chỉ là một giải pháp để mở rộng quỹ đất, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế mà còn để chủ động ứng phó với thực trạng biển đang ngày một ăn sâu vào đất liền như hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Châu, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan hiếm có ngày càng xuất hiện nhiều cùng với sự phát triển nhiều loại hình vận tải biển làm biến đổi dòng hải lưu, cần lưu ý đến yếu tố nương theo tự nhiên, phù hợp với quy luật của tự nhiên.
Cụ thể, những khu vực đang có xu thế bồi tụ như vùng Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình), Rạch Giá hay mũi Cà Mau rất phù hợp để lấn biển. Các dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ, khu đô thị lấn biển ở Quảng Ninh hình thành cả một khu công nghiệp ô tô hiện đại hay các khu đô thị hiện đại, hoặc như dự án lấn biển Đà Nẵng… là các dự án đã được quy hoạch, nghiên cứu rất kỹ về tác động tới môi trường. Những dự án như vậy mang lại lợi ích về quốc phòng, đô thị, công nghiệp, có thể phát triển cảng biển du lịch, nuôi trồng thủy hải sản, làm thủy cung, đường hầm đi dưới đáy biển, dự án điện gió ngoài khơi…
"Hiện nay, luật Đất đai 2024 đã tháo gỡ vướng mắc cho các dự án lấn biển đang ách tắc ở giai đoạn trước. Đồng thời cũng định hướng hoạt động lấn biển theo quy hoạch quốc gia, quy hoạch chung cấp tỉnh. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 42/2024 quy định chi tiết về hoạt động lấn biển, theo sau là Nghị định số 102/2024 hướng dẫn chi tiết thi hành luật Đất đai. Đây là cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và địa phương dễ dàng quản lý, đảm bảo hoạt động lấn biển được triển khai hợp lý, đem lại lợi ích kinh tế nhưng vẫn đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường", ông Lê Hoàng Châu nêu ý kiến.
Còn theo TS Đặng Kiều Nhân, các quy hoạch phát triển kinh tế biển đảo hay quy hoạch không gian biển trên cả nước đều có. Dù vậy, mỗi địa phương cần có quy hoạch để hướng đến phát triển kinh tế biển nhưng vẫn đảm bảo quy hoạch, bảo vệ môi trường.
Ví dụ, muốn phát triển du lịch và dịch vụ biển phải hướng đến du lịch xanh, thân thiện môi trường chứ không phải khai thác thâm hụt tài nguyên thì sẽ không bền vững. Hay để phát triển vận tải biển, dịch vụ logistics thì ngoài quy hoạch, nhà nước phải có sự đầu tư hạ tầng cảng biển. Từ đó kinh tế tư nhân mới đi theo sau để đầu tư phát triển các dịch vụ liên quan. Hay liên quan đến các khu đô thị ven biển thì phải quy hoạch hướng đến công nghệ cao, phát triển năng lượng xanh.
Ông Nhân nhấn mạnh: Giải pháp nhanh nhất là nhà nước và doanh nghiệp cùng thực hiện. Những hạ tầng như cảng biển, hệ thống đường dẫn kết nối thì nhà nước cần đầu tư trong khi kinh tế tư nhân sẽ tham gia các dự án đầu tư, khai thác khác. Song song đó, các địa phương ven biển cần có sự kết nối để phát huy tính tương hỗ, lợi thế so sánh riêng, để tạo ra mạng lưới kinh tế biển phát huy hiệu quả hơn.
Nối kết liền mạch kinh tế
Với các lĩnh vực của kinh tế biển, không phải tỉnh nào cũng có lợi thế giống nhau, nên cần liên kết để phân vai và tránh trùng lắp, đầu tư dàn trải và cạnh tranh nội bộ. Hơn nữa, không gian đất liền và không gian biển cũng có mối quan hệ về sinh thái và KT-XH mở, cho nên không phải chỉ liên kết các tỉnh ven biển mà còn cần liên kết giữa tỉnh ven biển và tỉnh trong nội địa theo mối liên kết vùng chặt chẽ. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh sắp tới cũng là cơ hội thúc đẩy kinh tế biển đảo vì nối kết liền mạch kinh tế nội địa với biển trong từng tỉnh.
TS Đặng Kiều Nhân