Trong tuần 14/4-18/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho các thành viên vay tổng cộng 63.679 tỷ đồng với lãi suất 4% trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Cùng thời gian trên, khối lượng đáo hạn lên tới hơn 72.035 tỷ đồng.
Trên kênh tín phiếu không ghi nhận giao dịch khi nhà điều hành đã ngừng phát hành tín phiếu từ ngày 5/3. Tổng cộng trong tuần qua (từ 14/4-18/4), NHNN đã hút ròng 8.356 tỷ đồng khi lượng lớn giấy tờ có giá đáo hạn.

Trong tuần 14/4-18/4, NHNN đã hút ròng 8.356 tỷ đồng.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm không biến động quá mạnh, bắt đầu ở mốc 4,06% vào phiên đầu tuần (ngày 14/4), giảm xuống 4,02% trong phiên sau đó, trước khi phục hồi lên 4,07% tại ngày 17/4.
Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn từ một tuần tới ba tháng tại phiên 17/4 hiện dao động từ 4,21% - 4,73%, giảm so với phiên đầu tuần (trừ kỳ hạn hai tuần và một tháng). Từ đầu tháng 3 đến nay, mức lãi suất qua đêm chỉ dao động trong khoảng 3,5% - 4,8%. Điều này phản ánh phần nào thanh khoản vẫn đang ở mức ổn định.
Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York, chênh lệch giữa lãi suất qua đêm có bảo đảm (SOFR) của Mỹ và lãi suất qua đêm tại Việt Nam tại phiên 16/4 là 0,28 điểm %.

(Nguồn: Wichart)
Trên thị trường ngoại hối, báo cáo vĩ mô Chứng khoán VPBankS cho biết chỉ số sức mạnh USD (DXY) từ đầu tháng 3 cho thấy đồng USD ban đầu giữ mức cao (trên 103-104 điểm) nhờ niềm tin vào vai trò "tài sản trú ẩn," nhưng sau đó giảm mạnh do các chính sách thuế quan hỗn loạn của Tổng thống Trump cùng áp lực trả đũa từ Trung Quốc, khiến chỉ số chạm mức thấp khoảng 99,01 điểm.
Đến đầu tháng 4, DXY hồi phục nhẹ ổn định quanh mức 99,78 điểm, phản ánh tâm lý lo ngại và sự mất dần niềm tin của các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường ngoại hối và tài chính toàn cầu đầy biến động.
Trong khi đó, tỷ giá VND/USD thị trường giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại cho thấy biên độ dao động khá rộng, với mức mua vào khoảng 25.400-25.600 và mức bán ra lên tới 25.910-26.182 VND/USD.
"Các biến động trên thị trường ngoại hối toàn cầu đã tác động gián tiếp làm tăng áp lực lên tỷ giá", báo cáo nhận định.
Mặc dù có áp lực từ bên ngoài, các chuyên gia VPBankS đánh giá hệ thống quản lý tiền tệ của Việt Nam vẫn nỗ lực kiểm soát biến động ngoại hối nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh và đầu tư trong nước không bị ảnh hưởng quá lớn.
Theo VPBankS, trong giai đoạn sắp tới, tỷ giá VND/USD dự kiến sẽ chịu áp lực từ sự biến động và bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, mặc dù sức mạnh của đồng USD đang cho thấy dấu hiệu yếu dần.
Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại diện rộng vẫn rất bất định với các chính sách thuế liên tục thay đổi, dù rằng Chính phủ đã và đang tích cực trong việc đàm phán cũng như triển khai các biện pháp kích cầu.