Xã hội

TP.HCM vẽ lại địa giới hành chính

Tóm tắt:
  • TP.HCM sẽ giảm từ 273 phường, xã còn 102 đơn vị, đảm bảo không quá lớn, gần dân và hiệu quả quản lý.
  • Bình Dương giảm từ 91 phường, xã còn 36, Bà Rịa - Vũng Tàu còn 30 đơn vị hành chính cấp xã.
  • Đề án sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm tạo siêu đô thị rộng 6.772 km² và dân số hơn 13,7 triệu người.
  • Hoàn thành sắp xếp ĐVHC cấp xã trước 30.6, hoàn tất tổ chức đảng cấp xã và hệ thống chính trị cấp huyện trước 1.7.
  • Tên phường, xã mới phải dễ nhớ, phù hợp lịch sử, văn hóa, tránh trùng lặp và lấy ý kiến người dân trước khi đặt tên chính thức.

Theo đó, TP.HCM sẽ sắp xếp từ 273 phường, xã, thị trấn hiện hữu còn 102 đơn vị, đảm bảo yêu cầu của T.Ư giảm từ 60 - 70% số xã.

TP.HCM vẽ lại địa giới hành chính - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ sắp xếp từ 273 phường, xã, thị trấn hiện hữu còn 102 đơn vị, đảm bảo yêu cầu của T.Ư giảm từ60 - 70% số xã

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Theo đánh giá của Thành ủy TP.HCM, phương án sáp nhập còn 102 phường, xã đảm bảo cấp xã không phải là cấp huyện thu nhỏ, có quy mô dân số và diện tích tự nhiên quá lớn để xa dân. Đảm bảo chính quyền địa phương cấp xã quán xuyến được địa bàn, nắm bắt tình hình, gần dân, sát dân và phục vụ người dân tốt nhất.

Trước đó, Bình Dương đã xây dựng phương án sắp xếp từ 91 phường, xã còn 36 phường, xã. Bà Rịa - Vũng Tàu giảm từ 77 phường, xã còn lại 30 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã.

Có thể mở rộng qua địa giới cũ

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, cho biết đề án sáp nhập TP.HCM và 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương nhằm phát huy tiềm năng về diện tích, dân số, kết quả tăng trưởng kinh tế của 3 địa phương để trở thành một cực tăng trưởng mới của cả nước. TP.HCM sau hợp nhất rộng 6.772 km², dân số hơn 13,7 triệu người với 168 ĐVHC cơ sở, là một siêu đô thị mới của khu vực Đông Nam bộ. Theo thống kê, tổng thu ngân sách năm 2024 của 3 địa phương gần 678.000 tỉ đồng.

TP.HCM vẽ lại địa giới hành chính - Ảnh 2.

Dự kiến Q.1 sắp xếp từ 10 phường còn 4 phường

ẢNH: NHẬT THỊNH

TP.HCM cũng đưa ra lộ trình cụ thể cho phương án sáp nhập. Theo đó, TP.HCM hoàn thiện các phương án, đề án gửi về T.Ư trước ngày 1.5; hoàn thành sắp xếp, tổ chức ĐVHC cấp xã trước ngày 30.6. Tiếp đó, triển khai thành lập tổ chức đảng cấp xã, chuẩn bị kế hoạch kết thúc hoạt động của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị cấp huyện trước ngày 1.7. Ngoài ra, địa phương phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm hoàn thành đi vào hoạt động trước ngày 15.9.

Bên cạnh đó, tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho rằng các địa phương không nên cứng nhắc, có thể vượt qua ranh giới hành chính hiện hữu để xây dựng phương án. Về ranh giới cụ thể, các quận, huyện ngồi lại để thống nhất phương án sắp xếp đảm bảo thuận tiện quản lý địa giới, đảm bảo phát triển KT-XH, thuận tiện cho người dân và quản lý nhà nước.

Tên gọi dễ nhớ, có ý nghĩa

Cũng trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, lưu ý phương án tổ chức lại ĐVHC cấp xã cần chú ý đến quy mô, số lượng, tên gọi, đảm bảo tỷ lệ theo yêu cầu, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, phù hợp nguyện vọng của người dân. Ông cho biết thời gian qua các cơ quan chức năng của TP.HCM và 2 tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp nhịp nhàng để thống nhất các công việc cần triển khai, bao gồm cả việc đặt tên ĐVHC cấp xã mới.

TP.HCM vẽ lại địa giới hành chính - Ảnh 3.

Đồ Họa: Tuấn Anh

TP.HCM vẽ lại địa giới hành chính - Ảnh 4.

ĐỒ HOẠ: TUẤN ANH

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết thêm, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước theo dõi rất sát sao việc triển khai sắp xếp ĐVHC của TP.HCM. Trong đó, việc dùng các địa danh, tên gọi đưa vào thơ ca, gắn liền với lịch sử, văn hóa để đặt tên phường, xã mới được đánh giá cao, là cách làm đúng hướng. Trong quá trình đặt tên, một số ý kiến phản biện, góp ý thì các đơn vị tiếp tục lấy ý kiến người dân. Đơn cử như H.Bình Chánh dự kiến đặt tên xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, nhưng khi có ý kiến đóng góp thì huyện tìm hiểu thêm địa danh khác có ý nghĩa để đặt tên, không lặp lại địa danh Vĩnh Lộc. "Cấp trên đánh giá cao không phải cái tên đẹp hay xấu mà là nhận thức của chúng ta về sự quan trọng, ý nghĩa của việc đặt tên", ông Nên chia sẻ thêm.

Trong văn bản mới đây gửi các quận, huyện, Sở Nội vụ TP.HCM đề nghị đặt tên phường, xã mới cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa và được người dân địa phương đồng tình, ủng hộ. Tên của phường, xã mới không được trùng với tên của ĐVHC cùng cấp hiện có trong phạm vi thành phố khi mở rộng. Các quận, huyện nên dùng tên gọi đã có của ĐVHC trước khi sắp xếp hoặc tên gọi có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa. Sở Nội vụ đề nghị UBND Q.1 cân nhắc khi đặt tên P.Sài Gòn, Q.5 đặt tên P.Chợ Lớn.

Ngoài ra, việc lấy tên nhân vật lịch sử để đặt tên cho phường mới cũng cần được cân nhắc kỹ trước khi lấy ý kiến người dân.

Ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết trong ngày 15.4, Sở Nội vụ TP.HCM và 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm việc điều chỉnh ranh, tên gọi phường, xã mới. Theo đó, TP.HCM và Bình Dương có 4 phường trùng tên gồm: Tân Định, Tân Bình, Bình Mỹ và Bình Hòa; còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương trùng tên xã Phước Hòa. Sở Nội vụ 3 địa phương sẽ tham mưu phương án đặt lại tên ĐVHC mới để tránh trùng lắp khi sáp nhập.

Trình HĐND TP.HCM vào ngày 18.4

Hiện các phường, xã đang tổ chức lấy ý kiến người dân. Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Quốc Thuận cho biết sau khi các quận, huyện tổng hợp, UBND TP.HCM sẽ trình phương án sáp nhập để HĐND TP.HCM xem xét thông qua tại kỳ họp chuyên đề vào ngày 18.4.

Sở Nội vụ đang tham mưu UBND TP.HCM đề án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách khi sắp xếp bộ máy. Đồng thời, Sở Nội vụ đề xuất bổ sung đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, nhà thuê mua với những trường hợp này, phối hợp Sở GD-ĐT xây dựng đề án hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho các trường hợp bị ảnh hưởng.

Các tin khác

Tỷ phú Elon Musk lại nhận tin buồn

Sự sụt giảm mạnh về doanh số, lo ngại từ nhà đầu tư về hình ảnh thương hiệu và tác động từ chính trị đang phủ bóng lên tương lai của hãng xe điện Tesla.

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

VietinBank tự hào được vinh danh “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” trong 5 năm liên tiếp, khẳng định vị thế tiên phong trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam. VietinBank không ngừng đổi mới và cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng doanh nghiệp.

Miền Bắc, miền Trung nắng nóng đỉnh điểm

Hôm nay và ngày mai (21-22/4) là đỉnh điểm đợt nắng nóng đang diễn ra ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung với nhiệt độ dự báo cao nhất miền Bắc từ 35-37 độ, miền Trung 36-38 độ. Nhiệt độ thực tế có thể cao hơn 2-4 độ. Chỉ số tia UV ở ngưỡng rất có hại. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay cũng chìm trong nắng nóng.

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Ủng hộ CSGT ghi hình bắn tốc độ lúc nửa đêm

Nhiều ý kiến ủng hộ và cho rằng việc CSGT tăng cường kiểm tra tốc độ, đặc biệt vào ban đêm khi đường vắng, là cần thiết để ngăn chặn tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.