Theo biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, ban lãnh đạo công ty May Sông Hồng (Mã: MSH) chia sẻ rằng Mỹ đánh thuế cơ bản 10% đã thêm nhiều khó khăn, "nếu vượt quá con số đó thì sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phá sản".
Thuế 10% đã đủ gây áp lực lớn
May Sông Hồng là doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ với trọng lên đến 80%. Doanh nghiệp cho biết đơn hàng có thể bị cắt giảm trước chính sách thuế quan của Mỹ.
Tuy nhiên công ty sẽ đón nguồn hàng từ Trung Quốc chuyển sang nên vẫn hy vọng khả quan, hiện tại May Sông Hồng đã xác nhận đơn hàng đến cuối năm.
Thời điểm này, các công ty đang trông chờ kết quả đàm phán của các Chính phủ, quyết định của khách hàng và các bên sẽ đàm phán để tìm giải pháp chia sẻ khó khăn.

May Sông Hồng nhấn mạnh nếu thuế vượt quá 10% sẽ đe dọa sự tồn tại của các thành phần trong chuỗi cung ứng dệt may. Ảnh: Băng Dương.
Chuyên viên phân tích Chứng khoán VNDirect cũng dẫn thông tin từ ban lãnh đạo May Sông Hồng rằng mức thuế cơ bản 10% đã đủ lớn để gây áp lực đáng kể lên biên lợi nhuận.
Gánh nặng thuế sẽ được chia sẻ giữa ba bên: các thương hiệu, nhà sản xuất (MSH) và người tiêu dùng. Trong trường hợp mức thuế 10%, May Sông Hồng chỉ có thể hấp thụ tối đa 1–2%, do việc gánh thêm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh.
Ban lãnh đạo cho rằng ngay cả mức thuế 10% cũng có thể đe dọa sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp, vì thế mức thuế cao hơn sẽ tạo ra tác động tiêu cực trên toàn chuỗi giá trị.
"Trong giai đoạn hoãn thuế 90 ngày, May Sông Hồng đã nhận được yêu cầu từ khách hàng về việc đẩy nhanh tiến độ giao hàng để tận dụng thời gian tạm hoãn", VNDirect báo cáo.
Khối lượng đơn hàng đã được đảm bảo đến tháng 7-8/2025. May Sông Hồng hiện chưa nhận được bất kỳ yêu cầu hủy đơn nào từ khách hàng. Tuy nhiên, triển vọng cho quý IV vẫn còn nhiều bất định, khi ngay cả các thương hiệu lớn cũng chưa có kế hoạch rõ ràng.
HĐQT kỳ vọng lượng đơn hàng trong năm 2025 sẽ giảm ngay cả trong kịch bản tốt nhất. Quý II dự báo sẽ tăng trưởng tích cực, trong khi quý III có thể bắt đầu suy yếu.
Ban lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tin rằng không có thị trường thay thế nào tốt hơn. Mặc dù đã cân nhắc việc mở rộng sang Nhật Bản, nhưng các bất ổn toàn cầu - khi ngay cả các thương hiệu lớn như Zara, H&M và Adidas cũng đang gặp khó khăn - khiến việc này trở nên thách thức.
Cuối cùng, Mỹ vẫn là thị trường mang lại lợi nhuận cao nhất, với giá bán bình quân và biên lợi nhuận tốt hơn.
Vẫn có vị thế tốt
Dù chịu nhiều áp lực từ thuế quan, May Sông Hồng vẫn tin tưởng Việt Nam sẽ duy trì vị thế là nơi sản xuất hàng dệt may lớn; nhờ vào lực lượng lao động tay nghề cao, năng suất lao động tốt và sự ổn định chính trị.
Họ kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ việc các thương hiệu chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Dù có những đối thủ cạnh tranh tiềm năng như Ấn Độ và Bangladesh, công ty tin rằng Việt Nam vẫn giữ được lợi thế.
Ấn Độ cần thêm thời gian để khẳng định năng lực trở thành trung tâm dệt may, trong khi rủi ro chính trị vẫn là rào cản lớn với Bangladesh.
"Thuế quan là sức ép cho tất cả, vì vậy không dễ dàng dịch chuyển thị trường sản xuất. Châu Á vẫn là thị trường cạnh tranh hơn cả vì lợi thế về năng lực sản xuất và khả năng đáp ứng các dịch vụ", đoàn chủ tịch phát biểu.
Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn của thế giới nên khách hàng/đối tác sẽ không bỏ thị trường. Việt Nam có lợi thể về chất lượng lao động (khéo léo, ham làm), đồng thời tập trung các biện pháp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm...
Riêng May Sông Hồng sẽ tập trung hướng tới các thương hiệu có giá bán lẻ cao/chất lượng cao để tăng lợi thế cạnh tranh.
Công ty định hướng tận dụng lực lượng lao động có tay nghề cao sẵn có để sản xuất các sản phẩm may mặc phức tạp hơn, giá trị gia tăng cao hơn, qua đó nâng cao giá bán. Công ty cũng đang nghiên cứu và xem xét đầu tư vào liên doanh sản xuất dệt vải, nhằm tiến xa hơn trong chuỗi giá trị.
Không thay đổi kế hoạch
Năm 2025, May Sông Hồng đặt mục tiêu doanh thu 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng 4%. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế kỷ lục 600 tỷ đồng, cao hơn 10% so với kết quả 2024.

Nguồn: Huy Lê tổng hợp.
Đừng trước thách thức lớn, công ty quyết định giữ nguyên chỉ tiêu tài chính năm 2025 và vẫn tự tin sẽ đạt được kế hoạch mục tiêu.
"May Sông Hồng nhìn nhận thị trường hiện nay không quá bi quan, trong khi có nhiều cơ hội đón đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang. Công ty chưa có thay đổi gì về chính sách cổ tức và việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ phải cân nhắc rất kỹ", theo đoàn chủ tịch.
Về hoạt động đầu tư, nhà máy liên doanh tại Ai Cập - Golden Avenue sẽ phát triển theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu cần tuyển 800 lao động vào cuối năm 2025 và giai đoạn hai sẽ tuyển 1.600 lao động từ 2027.
Tổng cộng khoảng 2.500 nhân công với tổng 45 chuyền may. Trình độ lao động tại Ai Cập sẽ là thách thức, bên cạnh vấn đề khó khăn về nguồn cung cấp vải và hệ thống logistics.
Đối với nhà máy Xuân Trường II, công ty tin tưởng khả năng phát triển khi đang vận hành hết công suất. Hiện khách hàng vẫn đưa hàng về đảm bảo cho các chuyền sản xuất, công ty cũng đang đa dạng hóa thị trường để đảm bảo nguồn hàng.