Bộ Tài chính vừa có công văn báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước ba tháng, ước 4 tháng năm 2025.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, luỹ kế giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 31/3 đạt 80.306,8 tỷ đồng, bằng 8,95% kế hoạch năm 2025 và bằng 9,72% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia đạt 2.986,6 tỷ đồng, bằng 13,6% kế hoạch Thủ tướng giao.
Bộ Tài chính ước tính đến ngày 30/4, giải ngân vốn đầu tư công đạt 128.512,9 tỷ đồng, bằng 14,32% kế hoạch, bằng 15,56% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024 đạt 15,64% kế hoạch và đạt 16,64% kế hoạch Thủ tướng giao).
Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia đạt 4.707,3 tỷ đồng, bằng 21,43% kế hoạch Thủ tướng giao; tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 17,2%, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (16,56%).
Bộ Tài chính đánh giá tiến độ giải ngân đã bắt đầu có sự tăng tốc so với tỷ lệ giải ngân cả nước trong ba tháng đầu năm và dần bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm trước (luỹ kế giải ngân đến hết tháng 2 đạt 5,43%, hết tháng 3 đạt 9,72% kế hoạch Thủ tướng giao).

Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm ước đạt 128.512,9 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ: Báo Người Lao động).
Theo Bộ Tài chính, trong 4 tháng năm nay, có 10/47 Bộ, cơ quan Trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Một số Bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân trên 20% như: Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (86,43%); Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%); Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%); Bộ Công an (27,24%); Hội Liên hiệp phụ nữ (20,66%).
Các địa phương giải ngân trên 30% như: Phú Thọ (44,39%); Lào Cai (43,45%); Thanh Hóa (39,147%); Hà Nam (38,44%); Bắc Kạn (32,61%); Hà Tĩnh (31,88%); Tuyên Quang (31,08%), Hà Giang (30,64%), Lâm Đồng (30,08%).
Bên cạnh đó, vẫn còn 9 Bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân; 15 Bộ, cơ quan Trung ương giải ngân dưới 5% và 12 địa phương giải ngân dưới 10%.
Một số Bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp gồm: Văn phòng Chủ tịch nước, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM,...
Các địa phương giải ngân dưới 10% như: Khánh Hoà, Cao Bằng, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Sóc Trăng, Quảng Trị...
Để triển khai đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu trên 100% kế hoạch Thủ tướng giao, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng về đôn đốc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đối với số vốn đã phân bổ.
Đối với số vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ chi tiết sau ngày 15/3, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp đề xuất bổ sung kế hoạch của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch theo quy định.
Đối với các dự án ODA, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chủ quản, chủ dự án bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ điều chỉnh dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân.
Các cơ quan chủ quản, chủ dự án phải chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng, đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh.
Bộ Tài chính yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo cụ thể những vấn đề vướng mắc, khó khăn gắn với từng dự án, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện như: về thể chế, về xác định rõ khâu vướng mắc trong tổ chức thực hiện và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, thẩm quyền xử lý vướng mắc.