Theo Hiệp hội Hen suyễn và Phổi Scotland, số ca tử vong do cúm tại nơi đây đang ở mức cao nhất kể từ năm 1979. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng trong mùa đông năm nay giảm một phần năm so với mùa đông năm trước. Số lượng vaccine tiêm được giảm hơn 350.000 mũi. So với năm 2023-2024, số lượng liều tiêm cũng giảm xuống dưới 1,3 triệu.
Có hai lý do khiến tỷ lệ tiêm chủng cúm sụt giảm tại Scotland. Một là, trong đại dịch Covid-19 năm 2020, Scotland đã mở rộng đối tượng được tiêm ngừa cúm cho nhóm 50-64 tuổi. Nhưng vào năm ngoái, chính quyền đã quay lại tiêu chí đủ điều kiện trước đại dịch.
Tiếp theo là tâm lý phản đối vaccine của người dân. Nhóm trẻ em và những người có nguy cơ cao vẫn tiêm chủng nhiều, trong khi đó những người trưởng thành khỏe mạnh có lượng tiêm chủng thấp.
Trước số ca cúm tăng vọt, một tổ chức từ thiện tại Scotland đã kêu gọi tái triển khai vaccine cúm cho những người 50-64 tuổi. Hiện, lời kêu gọi này đang được giới chức Scotland xem xét.

Minh họa người dân tiêm vaccine cúm. Ảnh: Vecteezy
Hồi tháng 1, Scotland đã cảnh báo số ca nhập viện do cúm tăng "phi thường", với tỷ lệ mắc bệnh là 52,6 trên 100.000 người dân. Trong một tuần, số ca nhập viện đã tăng 12%, nâng tổng số ca nhập viện lên hơn 1.500.
Cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp, có thể lây lan thành dịch. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em và người cao tuổi hoặc có bệnh mạn tính ở tim, phổi, thận... cúm có thể biến chứng nặng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não và có thể dẫn tới tử vong.
Về điều trị, hầu hết bệnh nhân cúm chỉ cần điều trị triệu chứng, cơ thể sẽ tự loại trừ virus trong vài ngày. Đối với trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân điều trị tại viện, được chăm sóc tăng cường và điều trị kháng sinh để đề phòng nhiễm khuẩn thứ phát và hỗ trợ hô hấp.
Để phòng bệnh, tiêm vaccine là biện pháp chủ yếu, mỗi người cần nhắc lại hàng năm. Đặc biệt nhóm trẻ em, người già, phụ nữ có thai được khuyến cáo tuân thủ lịch tiêm phòng, để giảm ảnh hưởng của bệnh.
(Theo BBC)