Sáng 20.4, Báo Tiền Phong phối hợp Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức hội thảo "Phòng chống đột quỵ: từ lý thuyết đến thực tế hành động".
3 giây có một người đột quỵ
TS-BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong đột quỵ cao nhất.
Tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ lần lượt là 161 và 415 trên 100.000 người. Năm 2021, toàn thế giới có 12,2 triệu ca đột quỵ mắc mới mỗi năm. Trung bình, mỗi 3 giây có một ca mắc đột quỵ.

TS-BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại chương trình
ẢNH: HOÀI NHIÊN
TS-BS Khoa lưu ý, đột quỵ không còn là bệnh của người già, năm 2019 có 63% số ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 70 tuổi và 16% xảy ra ở người dưới 50 tuổi.
Ông đã đưa ra các yếu tố hàng đầu gây đột quỵ trên thế giới gồm: hút thuốc lá, chế độ ăn uống không hợp lý, sử dụng đồ uống có cồn, ít hoạt động thể lực, ô nhiễm không khí, đường huyết lúc đói cao, rối loạn chức năng thận…
Ngoài ra, ông còn cho biết thêm, chi phí toàn cầu ước tính của đột quỵ là hơn 890 tỉ USD, chiếm 0,66% tổng GDP toàn cầu. Sự gia tăng không ngừng của các ca đột quỵ là thách thức lớn đối với ngành y tế toàn cầu, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
"Bệnh nhân bị đột quỵ dù được chữa trị tại trung tâm tốt nhất, khả năng quay trở lại công việc trước đây vẫn không khả quan, tối đa chỉ khoảng 50%. Có nghĩa cứ 2 người bị đột quỵ thì mất đi 1 lao động, cho dù điều trị tại trung tâm chất lượng cao", TS-BS Trọng Khoa nói.
"Giờ vàng" là yếu tố sống còn đối với bệnh nhân đột quỵ
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM cho biết, đột quỵ là thủ phạm gây ra 1/4 số ca tử vong trong năm 2021 (166.954 người, chiếm 23,82%).
Theo PGS Thắng, điều đáng lo ngại là có đến 80% bệnh nhân đột quỵ không được điều trị do đến bệnh viện quá 4,5 giờ. Trung bình, thời gian từ khi khởi phát triệu chứng đến khi đưa đến bệnh viện là 303 phút.

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM phát biểu tại chương trình
ẢNH: HOÀI NHIÊN
"Thời gian là sự sống của tế bào não, càng đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm thì cơ hội cứu sống và phục hồi càng cao", PGS Thắng nói.
Dẫn chứng một ca lâm sàng, PGS Thắng cho biết, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) từng tiếp nhận một ca lâm sàng là bé gái 14 tuổi. Bệnh nhân không có tiền sử bệnh, đột ngột yếu liệt nửa người trái và nhà của bệnh nhân này cách TP.HCM 20 km.
Ban đầu, bệnh nhân được đưa đến Trung tâm y tế huyện cách nhà 2 km. Đơn vị y tế này nghi ngờ đột quỵ nên chuyển lên bệnh viện tỉnh, thêm khoảng cách di chuyển 5 km. Sau đó, bệnh viện tỉnh chụp CT, chẩn đoán đột quỵ mới chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 với quãng đường di chuyển 27 km.
"Khi chúng tôi tiếp nhận, thời gian đã kéo dài 24 tiếng. Bệnh nhân đã chết não nên chúng tôi không thể làm gì thêm. Nếu bệnh nhân được chuyển đến với chúng tôi ngay từ đầu thì đã khác. Kinh nghiệm là chúng ta nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ chứ không phải là nơi gần nhất", ông nói.
PGS Thắng cũng lưu ý, đột quỵ không phải "trời kêu ai nấy dạ". Thực tế, 90% bệnh nhân đột quỵ có yếu tố nguy cơ từ trước. Vì thế, cách phòng ngừa hiệu quả nhất là kiểm soát yếu tố nguy cơ, chứ không phải uống một viên thuốc có thể phòng ngừa điều trị suốt đời.
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng cho biết, mỗi năm Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận hơn 20.000 bệnh nhân đột quỵ, chiếm 10% con số ước tính toàn quốc là 200.000 ca.
"Chúng ta có hơn 1.000 bệnh viện trên cả nước. Không thể chỉ một bệnh viện đã chiếm 10%. Rõ ràng, con số thực tế còn cao hơn rất nhiều", PGS Thắng nói.
Theo PGS Thắng, việc tổ chức mạng lưới các đơn vị đột quỵ, đưa ra quy trình đi đâu về đâu sẽ làm giảm tối đa hậu quả gây ra của bệnh đột quỵ. Từ đó, đề xuất có phối hợp, sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương để có thể giúp điều trị đột quỵ đạt hiệu quả tối đa.
Giải pháp phòng ngừa đột quỵ
Theo TS-BS Nguyễn Trọng Khoa, việc phòng ngừa đột quỵ cần bắt đầu từ cộng đồng bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, thiếu vận động…
Đồng thời, cần nâng cao năng lực chẩn đoán sớm, rút ngắn thời gian tiếp cận điều trị tiêu sợi huyết, can thiệp mạch (yếu tố quyết định sự sống còn cho người bệnh).
“Người đầu tiên phát hiện bệnh nhân đột quỵ cần xác định ngay cơ sở y tế có khả năng điều trị, tránh mất thời gian chuyển viện lòng vòng”, TS-BS Trọng Khoa nói.
Theo ông, hiện đã có một số trung tâm đột quỵ được đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhưng trên toàn quốc, mạng lưới điều trị vẫn còn thiếu và cần được mở rộng cả về phạm vi địa lý lẫn hiệu quả vận hành.
Từ đó, ông Khoa đề nghị các cơ sở y tế, chuyên gia, cơ quan truyền thông và cơ quan quản lý phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân. Bên cạnh đó, cần chú trọng phục hồi chức năng và dự phòng tái phát sau đột quỵ.