Tại Công điện này, Thủ tướng yêu cầu điều chỉnh kịch bản tăng trưởng quý II và các quý còn lại của năm 2025, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên.
Trong đó, với vấn đề thuế đối ứng từ Mỹ, cần triển khai ngay các giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài, cũng như có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng.
Phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công
Về đầu tư, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư.
Tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; bố trí vốn tập trung, trọng tâm trọng điểm, kiên quyết không dàn trải, manh mún, bảo đảm tổng số dự án nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 không quá 3.000 dự án; tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia và liên quốc tế.
Đồng thời, triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII điều chỉnh; hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án điện, truyền tải quan trọng; các cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết số 189 của Quốc hội.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổng hợp, đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2025 đối với số vốn đến hết ngày 15/3 chưa phân bổ chi tiết; thống kê danh sách các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không hoàn thành chỉ tiêu giải ngân đầu tư công năm 2024, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4; Khẩn trương xây dựng "Cổng một cửa đầu tư quốc gia" hoàn thành trong tháng 5 năm 2025, "Cổng một cửa đầu tư cấp tỉnh" sau khi thành lập tỉnh mới.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong tháng 4 năm 2025 đề xuất việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án, công trình đang và sẽ triển khai.
Về tiêu dùng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối và tiêu dùng; Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, nhất là xi măng, sắt thép.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương tập trung triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2025; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, hoàn thành mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa năm 2025.
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc áp dụng chính sách thị thực thuận tiện, linh hoạt cho khách du lịch, cải tiến thủ tục xét duyệt thị thực cho khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam.
Đẩy mạnh khai thác 17 FTA

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).
Về xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, khẩn trương kết thúc đàm phán và khởi động đàm phán, ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Á, Đông Âu, Ấn Độ, Brazil, Pakistan, Ai Cập… Khẩn trương, tích cực trao đổi, xây dựng kịch bản làm việc với các cơ quan của Hoa Kỳ để đàm phán thỏa thuận thương mại đối ứng, đảm bảo hài hòa, hợp lý, có lợi cho cả hai bên.
Đặc biệt, cần triển khai các giải pháp hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại, thích ứng với các rào cản kỹ thuật mới của các đối tác xuất khẩu; rà soát, đánh giá công tác phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa thời gian qua để có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm trong công tác này; chú trọng cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ pháp lý trong thương mại, đầu tư quốc tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực triển khai Nghị quyết số 57; Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi.
Xây dựng mô hình "Cảng miễn thuế"
Đồng thời, xây dựng khu thương mại tự do tại một số địa phương trọng điểm kinh tế. Nghiên cứu mô hình "Cảng miễn thuế" để đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics lớn, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án huy động tối đa nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân cho đầu tư phát triển; tận dụng dư địa về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để huy động nguồn lực cho phát triển; Làm việc với ADB để chuẩn bị các dự án về đầu tư cơ sở hạ tầng, thích ứng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế tư nhân trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó cần xây dựng các giải pháp đột phá, cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để khuyến khích, thúc đẩy, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực; tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan toả, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo theo Quyết định số 751 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn vướng mắc các dự án tồn đọng; rà soát, phân loại các dự án, xác định rõ thẩm quyền xử lý để hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương giải quyết hoặc đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách để báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết trước ngày 15/5.
"Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kết nối cung cầu, phát triển thị trường lao động bền vững, linh hoạt, hiệu quả; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại; khẩn trương rà soát, nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam", Thủ tướng yêu cầu.