Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị Trung ương 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).
Trong đó, 6 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội; Hải Phòng (sáp nhập tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng); Huế; Đà Nẵng (sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng); TP.HCM (sáp nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM); Cần Thơ (sáp nhập tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ).

Diện tích, dân số, số đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sau sáp nhập của 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau sáp nhập, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất với 11.859,6 km², tiếp đến là TP.HCM (6.772,6 km²), Cần Thơ (6.360,8 km²), Huế (4.947,1 km²) và Hà Nội (3.359,8 km²)
Hải Phòng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích nhỏ nhất, đạt 3.194,7 km².
Về dân số, TP.HCM là thành phố có số dân đông nhất cả nước với hơn 13,6 triệu người, đứng thứ hai là Hà Nội với gần 8,6 triệu dân. Huế là thành phố có dân số thấp nhất trong nhóm, chỉ khoảng 1,2 triệu người.
Ngoài những thay đổi về diện tích và quy mô dân số, diện mạo các thành phố trực thuộc Trung ương tới đây cũng có nhiều khác biệt.
Cụ thể, theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, số xã, phường, đặc khu của các thành phố trực thuộc Trung ương đều dự kiến giảm 60-70%.
Đến thời điểm hiện tại, dự kiến sau sắp xếp, Hà Nội có 126 xã, phường; Hải Phòng (mới) có 114 xã, phường; Huế có 40 xã, phường; Đà Nẵng (mới) có 107 xã, phường; TP.HCM (mới) có 168 xã, phường; Cần Thơ (mới) có 114 xã, phường.