Việt Nam thăng hạng là đối tác thương mại lớn của Úc, mở ra nhiều cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế song phương
Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Úc lần đầu tiên vượt ngưỡng 12,4 tỷ USD, tăng hơn 49% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Úc đạt hơn 4,45 tỷ USD, tăng hơn 23% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Úc đạt khoảng gần 8 tỷ USD, tăng xấp xỉ gần 70%, so với năm 2020.
Nhờ kết quả đạt được, Việt Nam chính thức vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Úc, và Úc cũng là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam, cao hơn một bậc so với năm 2020. Đây là "trái ngọt" của sự tận dụng hiệu quả các hiệp định FTAs mà hai nước là thành viên như AANZFTA, CPTPP, … cũng như những biện pháp quyết liệt và chính sách linh hoạt của Chính phủ hai nước trong thời gian qua.
Trên thực tế, Úc được biết đến là một trong những quốc gia có đầu tư trực tiếp ra nước ngoài lớn, đứng thứ 15 thế giới năm 2020. Trong đó, khu vực Asean luôn nằm trong top điểm đến đầu tư FDI lớn nhất của Úc, và Việt Nam đứng thứ 4 trong số các điểm đến. Tính đến tháng 11/2021 Úc đã đầu tư 545 dự án tại Việt Nam. Theo một khảo sát của Phòng Thương mại Úc tại Asean, năm 2021 chứng kiến sự chuyển dịch và đầu tư tập trung tại 5 ngành chính, cụ thể, nguồn vốn được đổ mạnh vào các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo (28%); Vận tải và khách sạn giải trí (20%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (16%); Nông nghiệp chiếm (8%); và các ngành khác (12%).
Năm 2022, giao thương giữa Việt Nam và Úc được đánh giá sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển do đều là thành viên của CPTPP và RCEP - một thỏa thuận thương mại thế hệ mới bao trùm và cởi mở. Bên cạnh đó, Việt Nam và Úc cũng đã hoàn tất ký kết Chiến lược Tăng cường gắn kết kinh tế hai bên và sẽ triển khai ngay trong năm nay. Chiến lược này sẽ tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu có nhiều cơ hội thị trường mới để hỗ trợ hai nền kinh tế Việt Nam và Úc phục hồi trong đại dịch COVID-19, hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư hai chiều và trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Điều này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tiến sâu hơn vào thị trường giàu tiềm năng như Úc, đặc biệt trong các lĩnh vực 2 bên có thế mạnh như nông nghiệp, du lịch, viễn thông,... Các doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam cũng đã sớm nhận thấy tiềm năng của thị trường này và sẵn sàng chi hàng chục triệu USD để đầu tư.
Doanh nghiệp Việt Nam đón đầu xu hướng hợp tác đầu tư với Úc như thế nào?
Từ năm 2016, Vingroup đã đầu tư 22,5 triệu USD mua đất ở quận trung tâm thương mại Sydney để xây một tổ hợp khách sạn lớn. Đến năm 2019, TH True Milk và công ty con là Sữa Đà Lạt cũng đăng ký đầu tư 88,5 triệu USD cho 2 dự án chăn thả đàn bò tự nhiên, tăng cường năng lực trang trại theo hướng đầu tư hiệu quả tại Úc.
TH True Milk đã đăng ký đầu tư 2 dự án nông nghiệp tại Australia với tổng vốn lên đến 88,5 triệu USD
Mới đây nhất, Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar - mã SBT) cũng đã chính thức thảo luận chiến lược hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững song phương với chính quyền bang Queensland - Úc.
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, đơn vị này đặt mục tiêu sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tại Úc lên 20.000 ha ứng dụng công nghệ cao. SBT hướng đến tăng cường trao đổi, phát triển nông nghiệp 4.0 và đặt mục tiêu tổng sản lượng đạt 2 triệu tấn, doanh thu đạt 1,5 tỷ USD vào niên độ 2024-2025.
SBT được biết đến là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam với nhiều năm kinh nghiệm chuyên sâu trong việc phát triển vùng nguyên liệu rộng lớn lên đến 66.000 ha tại 3 nước Đông Dương. Trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, SBT đặt mục tiêu sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tại Úc lên 20.000 hecta ứng dụng công nghệ canh tác số thông qua nền tảng quản trị FRM (Farmer Relationship Management), nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu lên gần 90.000 ha có thể đảm bảo đủ nguồn cung ứng cho nhu cầu sản xuất kinh doanh phục vụ các thị trường trong nước và quốc tế.
SBT đặt mục tiêu sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tại Úc lên 20.000 hecta ứng dụng công nghệ canh tác số thông qua nền tảng quản trị FRM (Farmer Relationship Management)
Úc được biết đến là quốc gia sản xuất hàng hóa nông nghiệp hàng đầu thế giới, có khả năng nghiên cứu và nền tảng khoa học vượt trội trong lĩnh vực nông nghiệp nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ lớn từ Chính phủ. Tháng 3/2022 vừa qua, Chính phủ Úc đã lên kế hoạch đầu tư vào 5,4 tỷ USD xây dựng con Đập Hells Gates. Dự án được kỳ vọng sẽ cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 60.000 ha tại Bang Queensland, thúc đẩy cho việc mở rộng diện tích nông nghiệp tại khu vực này.
Tại Việt Nam, bên cạnh việc thúc đẩy các FTAs song phương với Úc, Chính phủ cũng đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi và phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, ngày 28/3 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Ngoại giao và thương mại Úc đã ký bản ghi nhớ về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp ở Úc. Sự kiện ký kết bản ghi nhớ lần này là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương hợp tác lâu dài giữa hai nước, nhằm mục đích bù đắp thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp ở Úc, đồng thời tạo cơ hội cho lao động Việt Nam tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng với mức thu nhập cao.
Những hỗ trợ kịp thời và linh hoạt của Chính phủ hai nước kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển của nền nông nghiệp 4.0 của Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh giao lưu kinh tế, từng bước tạo dấu ấn vững chắc cho nông sản Việt, khẳng định vị thế của Việt Nam trên đấu trường quốc tế.