Chiều 6/4, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022.
Liên quan đến câu hỏi của báo chí về công trình số 61 Trần Phú, vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, đang bị phá dỡ để xây dựng dự án gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội (Sở QH&KT) đã có phản hồi về vấn đề này.
Phó Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung thành phố được ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-UBND ngày 12/9/2014, khu đất nêu trên thuộc Khu Trung tâm chính trị Ba Đình với yêu cầu quản lý quy hoạch và không gian kiến trúc các công trình theo Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình.
Theo Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013, khu đất Nhà máy Thiết bị bưu điện (lô G1) thuộc khu vực phục vụ chung cho Khu trung tâm chính trị Ba Đình và có định hướng: Di chuyển nhà máy ra khỏi khu trung tâm, xây dựng thành khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp; khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật và chỗ đỗ xe; các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: tầng cao tối đa 11 tầng, mật độ xây dựng 50%. Tại Quy định quản lý theo đồ án ban hành kèm theo Quyết định số 2710/QĐ-UBND ngày 21/5/2014 của UBND thành phố có nêu “khu nhà máy thiết bị bưu điện di dời hoàn toàn xây dựng công trình dịch vụ hỗn hợp”.
Công trình tại ngã 5 giao cắt đường Hùng Vương - Nguyễn Thái Học
Lãnh đạo Sở QH&KT Hà Nội thông tin, thực hiện định hướng Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2.000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với quy mô, tính chất đặc thù của dự án, chủ đầu tư đã tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế, thành lập hội đồng tuyển chọn với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành để lựa chọn được phương án thiết kế tối ưu, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và triển khai những thủ tục có liên quan.
Nội dung đề xuất đầu tư xây dựng đã được Sở QH&KT báo cáo UBND thành phố gửi xin ý kiến Bộ Xây dựng. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng và chỉ đạo của UBND thành phố, Sở QH&KT đã tổ chức lấy ý kiến Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố; đồng thời đề nghị chính quyền địa phương (UBND quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên) tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan và tham gia ý kiến về nội dung đề xuất của chủ đầu tư.
Theo ông Kỳ Anh, công trình tại 61 Trần Phú là công trình công nghiệp của người Pháp xây dựng, kết cấu không có gì đặc biệt. Đối với kiến trúc mái hình răng cưa cũng có nhiều công trình có kiến trúc tương tự. "Công trình xây mới đã được xác định là tòa nhà đa chức năng 11 tầng, đưa vào khu vực này là phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố. Kiến trúc tòa nhà theo tôi tương đối đẹp", lãnh đạo Sở QH&KT Hà Nội nhận định.
Tuy nhiên, ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND thành phố khẳng định, liên quan đến công trình 61 Trần Phú, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Quận ủy Ba Đình, Quận ủy Đống Đa chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) tại công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) và số 84 đường Láng (quận Đống Đa).
Ông Dũng thông tin: Ngay sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, tổ chức rà soát tổng thể, kiểm tra thủ tục liên quan đến dự án trên. Trong thời gian chờ kiểm tra, rà soát, yêu cầu chủ đầu tư dự án tạm dừng việc phá dỡ, thi công xây dựng, thực hiện đầu tư dự án này.