Thông tin về việc Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và 6 bị can bị bắt tối ngày 5/4 liên quan đến sai phạm trong việc phát hành khối trái phiếu trị giá 10.300 tỷ đồng là một trong những yếu tố tiêu cực của thị trường chứng khoán Việt Nam đặc biệt là những mã cổ phiếu nhóm ngành BĐS trong phiên giao dịch ngày 6/4. Theo đó, nhiều cổ phiếu có mức giảm sâu như DIG, FLC, HQC khi cùng giảm sàn. Các mã khác cũng giao dịch ảm đạm như CEO (-4.77%), LDG (-3.52%), IDJ (-4.05%),…
Ở phiên giao dịch này, nhờ sự tỏa sáng của nhóm VN30 đã giúp VN-Index hồi phục về tham chiếu ở cuối phiên. Kết thúc giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 2,87 điểm, lên mức 1.522,9 điểm. Trong khi đó, HNX-Index lại có diễn biến tiêu cực hơn khi kết phiên giảm mạnh 9,27 điểm (-2,03%), xuống còn 446,83 điểm.
Thông tin Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm cổ phiếu ngành BĐS
Trong ngày cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng giảm sàn vào cuối phiên đã khiến khối tài sản của gia đình đại gia người Thanh Hóa, Nguyễn Thiện Tuấn bị thổi bay gần 800 tỷ đồng.
Theo đó, với việc đang trực tiếp sở hữu hơn 50,4 triệu cổ phiếu DIG, khối tài sản của Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn ghi nhận giảm hơn 327 tỷ đồng. Cùng với đó, khối tài sản của 2 người con ông Tuấn là Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Thị Thanh Huyền đang giữ vị trí Phó chủ tịch tại DIG cũng ghi nhận mức giảm lần lượt hơn 334 và 119,9 tỷ đồng nữa.
Đây cũng là phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp của DIG trong tuần giao dịch này. Theo đó, DIG đã ghi nhận mức giảm 10.400 đồng/cổ phiếu so với giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/4. Với mức giảm này, khối tài sản của gia đình đại gia Thanh Hóa đã bị “thổi bay” hơn 1.246,7 tỷ đồng sau 3 phiên giao dịch gần nhất. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 6/4, khối tài sản của đại gia Nguyễn Thiện Tuấn và 2 người con đang nắm giữ có giá trị 10.429,5 tỷ đồng.
Nhận định về thị trường chứng khoán trong nước phiên giao dịch ngày 7/4, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định với trợ lực từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, có khả năng thị trường sẽ tiếp tục hành trình tăng điểm trong thời gian tới và kiểm tra lại vùng đỉnh cũ, vùng 1.535 điểm đối với VN-Index và vùng 1.585 điểm đối với VN30-Index. Do vậy, nhà đầu tư có thể tiếp tục kỳ vọng nhịp tăng của thị trường, ưu tiên các cổ phiếu có định giá tốt, có nền tích lũy tích cực và đang thu hút dòng tiền. Tuy nhiên, vẫn nên cẩn trọng đối với nhóm cổ phiếu có tính chất rủi ro cao.
Cùng quan điểm các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng và VN-Index có thể sẽ sớm kiểm định lại ngưỡng 1.535 điểm trong vài phiên tới. Đồng thời, nhóm cổ phiếu vốn lớn tiếp tục thu hút dòng tiền ngắn hạn và các chỉ số VN-Index và VN30 vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp điều chỉnh nhẹ. Trong khi đó, chỉ số VNMidcaps và VNSmallcaps có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy dòng tiền đang có dấu hiệu suy yếu ở hai nhóm cổ phiếu này.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cũng nhận định trong phiên giao dịch tiếp theo 7/4, VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động giằng co và đi ngang với biên độ trong khoảng 1.515 - 1.530 điểm để lấp động lực bật tăng sau này. Những nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước đó trong vùng hỗ trợ 1.425 - 1.450 điểm có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và canh chốt lời nếu thị trường tiến vào vùng kháng cự mạnh trong khoảng 1.530 - 1.550 điểm.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS) khuyến nghị triển vọng tiệm cận đỉnh cũ hoặc vượt đỉnh lịch sử của của VN-Index càng được củng cố nhờ dòng tiền đang quay trở lại nhóm cổ phiếu VN30 cũng như nhóm cổ phiếu cơ bản. Với phiên lấp GAP phiên giao dịch ngày 6/4, thị trường cũng đã kiểm tra thành công trendline giảm kể từ đầu năm với thanh khoản ở mức cao, đó là những dấu hiệu cho thấy thị trường khỏe. Nhà đầu tư tiếp tục chú ý nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 cũng như nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản đã có sự tích lũy trong thời gian vừa qua.