Năm nay, ông Bùi Thành Nhơn, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch NovaGroup, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NovaLand – NVL) lần đầu xuất hiện trong danh sách của Forbes, với 2,9 tỷ USD, đứng thứ 1.053 thế giới, theo công bố hôm 5/4.
Năm 1992, doanh nhân sinh năm 1958 tại Đồng Tháp này khởi đầu kinh doanh từ Công ty TNHH Thương Mại Thành Nhơn với số vốn điều lệ 400 triệu đồng để kinh doanh thuốc thú y, nguyên liệu dược, hóa chất, tiền thân của NovaGroup ngày nay. 15 năm sau, tức đến năm 2007, ông Nhơn mới tái cấu trúc NovaGroup thành 2 công ty: Anova Corporation (lĩnh vực thuốc thú ý, sản phẩm nông nghiệp - thực phẩm...) và chính thức bước vào ngành bất động sản với thương hiệu Novaland Group.
Thời kỳ đầu bén duyên với bất động sản, ông Nhơn phát triển khu phức hợp Sunrise City quận 7, thuộc khu Nam TP HCM. Dự án đầu tay của ông Nhơn ra đời trong bối cảnh thị trường bất động sản chuẩn bị bước vào chu kỳ khủng hoảng 2009-2013, thanh khoản lao dốc, giá nhà sụt giảm, nhiều nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn, không ít đại gia rời thị trường.
Trong lúc nhiều đối thủ yếu đi khi thị trường suy thoái, ông Nhơn liên tục thực hiện các thương vụ M&A để thâu tóm, mở rộng quỹ đất. Từ vạch xuất phát 2007, trong một thập kỷ 2007-2016, ông Nhơn mở rộng hệ sinh thái bất động sản lên đến hàng chục dự án nhà ở quy mô lớn tại TP HCM.
Năm 2016, 489 triệu cổ phiếu NVL niêm yết, trở thành doanh nghiệp bất động sản lớn thứ hai trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM. Giai đoạn 2017-2021, cổ phiếu NVL liên tục nằm trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 và rổ chỉ số VNSI. Từ bước đệm này, ông Nhơn đưa thương hiệu Nova vươn mình ra khu vực và quốc tế khi hai lần niêm yết trái phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore, hút nhiều đối tác cấp vốn Credit Suisse AG, Standard Chartered, DEG (Quỹ đầu tư thuộc Ngân hàng tái thiết Đức KFW)...
Chặng đường 2017-2021 cũng là bước ngoặt ông Nhơn nhắm đến mở rộng quy mô kinh doanh các khu đại đô thị, tổ hợp nghỉ dưỡng khắp các tỉnh phía Nam. Năm 2021, NovaGroup tái cấu trúc lần hai với 8 tổng công ty thành viên: Novaland, Nova Service, Nova Consumer, Nova Tech, Nova Capital Partners, Nova Logistic, Nova Industry, Nova Finance với tham vọng mở rộng hệ sinh thái sang nhiều lĩnh vực.
Với quỹ đất hơn 5.400 ha, đa dạng nhiều loại hình bất động sản đô thị, nghỉ dưỡng và công nghiệp, người đứng đầu Nova Group cho thấy tham vọng không dừng ở thị trường TP HCM và vùng phụ cận, Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, mà còn vươn ra khu vực miền Bắc.
Dự kiến cột mốc 2021-2025, đại gia bất động sản này dự tính phát triển 100.000 sản phẩm. Ba dự án lớn Aqua City, NovaWorld Phan Thiet và NovaWorld Ho Tram, ước tính mang về mức lợi nhuận lần lượt là 36.000, 31.000 và 10.000 tỷ đồng khi phát triển và bàn giao hoàn thiện. Giai đoạn 2026-2030 phát triển dự án tại 30 tỉnh thành, cung cấp ra thị trường 150.000 sản phẩm.
Theo báo cáo tài chính được NVL công bố ngày 31/12/2021, Nova Group có tổng tài sản hợp nhất hơn 200.000 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 175.000 tỷ đồng (tương đương hơn 7,6 tỷ USD). Doanh nghiệp này ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất bao gồm doanh thu từ bán hàng và thu phí cung cấp dịch vụ đạt gần 15.000 tỷ đồng.
Tổng giá trị phát triển quỹ đất (Gross Development Value - GDV) ước tính 71 tỷ USD. Dựa trên các dự án đang xây dựng, giá trị tài sản ròng của công ty ước tính đạt 324.000 tỷ đồng (tương đương 14,1 tỷ USD), gấp 2,2 lần vốn hoá thị trường của công ty hiện nay và phản ánh tiềm năng tăng trưởng vốn hoá lên đến 120%.
Ngoài bất động sản, trong kế hoạch tái cơ cấu đầu năm 2021, ông chủ Nova Group còn nhiều tham vọng khác là Nova Service Group trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ và Nova Consumer Group phụ trách nông nghiệp, hàng tiêu dùng. Nova Consumer là mảng kinh doanh kế thừa thành quả 29 năm của Anova Corp, lĩnh vực đầu tiên khi ông Nhơn khởi sự kinh doanh. Ở lĩnh vực nông nghiệp, theo bản cáo bạch ở lần đầu chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư, Nova Comsumer cho biết họ chiếm hơn 30% thị phần kinh doanh thuốc thú y, ba nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 730.000 tấn mỗi năm và nhiều trang trại chăn nuôi.
Năm 2021, Nova Consumer bắt đầu mở rộng sang ngành hàng tiêu dùng với mảng thực phẩm, thức uống để dần khép kín chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn theo mô hình 3F (Feed – Farm – Food). Chiến lược của mũi kinh doanh này, cũng tương tự cách mà Novaland mở rộng với lĩnh vực bất động sản, là đẩy nhanh hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) để sớm có danh mục sản phẩm, tập trung vào ba ngành hàng chính, là thực phẩm, đồ uống và dinh dưỡng.
Với mục tiêu lấy các sản phẩm đồ uống hiện đại là trọng tâm, năm 2021, Nova Consumer ghi nhận doanh thu và lãi ròng lần lượt 3.700 tỷ và 300 tỷ đồng. Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2022-2026 từ 4 đến 5 lần, đạt mức 1.300 đến 1.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, Nova Service Group được xây dựng với hệ sinh thái đa dạng về ngành nghề, cung cấp các sản phẩm và các dịch vụ với chất lượng quốc tế. Mục tiêu của mảng kinh doanh này giúp mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng và các điểm đến du lịch từ mảng địa ốc. Mảng miếng này được phát triển với các thương hiệu như Nova Retail sở hữu chuỗi hệ thống nhà hàng, cà phê và hệ thống bán lẻ; Nova Lifestyle với các ngành quản lý khách sạn, vui chơi giải trí, thể thao và sức khỏe và Nova Community với các hoạt động giáo dục, y tế và các quỹ vì cộng đồng.