Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) vừa nhất trí thông qua việc chốt danh sách cổ đông vào ngày 27/5 tới đây để tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Đại hội dự kiến được tổ chức vào ngày 28/6.
Theo Khoản 2, Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020, Đại hội đồng cổ đông phải họp hàng năm trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị quyết định gia hạn họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Như vậy, Vietnam Airlines cần phải tổ chức đại hội cổ đông thường niên chậm nhất vào ngày 30/6 hàng năm.
Thực tế, trong hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành vừa qua, Vietnam Airlines đều tổ chức đại hội thường niên sau ngày 30/6, cụ thể là ngày 10/8/2020 và 14/7/2021.
Ngày 8/6/2021, HĐQT Vietnam Airlines cho biết dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty, đồng thời làm cản trở công tác chuẩn bị các nội dung trình đại hội cổ đông. Vì vậy, HĐQT quyết định lùi thời gian họp cổ đông đến sau ngày 30/6/2021.
Năm 2020, Vietnam Airlines ba lần lùi ngày họp đại hội cổ đông thường niên cho tới khi có phương án giải cứu của Nhà nước.
Kết phiên 4/5 vừa qua, giá cổ phiếu HVN dừng ở 22.300 đồng/cp, giảm 3,7% so với đầu năm 2022. Một cổ phiếu hàng không khác là VJC đang diễn biến có phần khả quan hơn, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.
Báo cáo tài chính năm 2021 và quý I/2022: Bao giờ Vietnam Airlines sẽ công bố?
Theo Điều 149, Luật Doanh nghiệp 2020, một trong các nội dung mà đại hội đồng cổ đông thường niên phải thảo luận và thông qua là báo cáo tài chính hàng năm.
Tuy nhiên cho đến nay, Vietnam Airlines mới chỉ công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, chưa nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán của năm 2021.
Theo quy định, Vietnam Airlines phải công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 chậm nhất vào ngày 31/3/2022. Tuy nhiên, tổng công ty đã có văn bản đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép hoãn công bố báo cáo tài chính năm 2021 với lý do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều cán bộ nhân viên của Vietnam Airlines phải cách ly, điều trị tại nhà.
Tổng công ty thiếu hụt nhân sự kế toán tại công ty mẹ và các công ty thành viên, việc cung cấp chứng từ, số liệu để đối chiếu, tổng hợp báo cáo tài chính hợp nhất gặp nhiều khó khăn, Vietnam Airlines cho biết.
Ngày 29/4 vừa qua, Vietnam Airlines tiếp tục xin hoãn công bố báo cáo tài chính quý I/2022 đến sau hạn chót 30/4 theo quy định của pháp luật. Lý do được đưa ra cũng là nhiều cán bộ nhân viên kế toán phải cách ly, điều trị COVID-19. Các nhân sự còn lại phải ưu tiên hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 nên chưa thể tập trung lập báo cáo tài chính quý I/2022.
Một hãng bay khác là Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) mới công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 vào ngày 30/4/2022 và công bố báo cáo tài chính quý I/2022 vào ngày 4/5/2022.
Theo báo cáo kiểm toán năm 2021 mới được đăng tải, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần 12.875 tỷ đồng, giảm 123 tỷ so với báo cáo tự lập. Lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 80 tỷ đồng, giảm 20,6% so với mức hơn 100 tỷ đồng trong báo cáo trước kiểm toán.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý I năm nay đạt 4.522 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 244 tỷ đồng, gần gấp đôi quý I năm ngoái và là mức cao nhất 5 quý gần đây.
Về phần Vietnam Airlines, báo cáo tài chính quý IV/2021 (chưa kiểm toán) cho thấy tổng công ty này lỗ sau thuế gần 13.338 tỷ đồng trong cả năm ngoái, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Sau hai năm đại dịch, Vietnam Airlines có lỗ lũy kế 21.979 tỷ đồng, nhỏ hơn 165 tỷ đồng so với vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tại ngày 31/12/2021 vẫn là số dương, theo báo cáo chưa kiểm toán.
Nếu báo cáo kiểm toán năm 2021 cũng cho thấy vốn chủ sở hữu là số dương và lỗ lũy kế nhỏ hơn vốn điều lệ, Vietnam Airlines có thể thoát án hủy niêm yết, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN vẫn tiếp tục giao dịch ở HOSE thay vì chuyển xuống UPCoM.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 120, Nghị định 155/2020, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc nếu "Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục; hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp; hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".