Doanh nghiệp

Lợi nhuận quý I tăng bằng lần, loạt doanh nghiệp cá tra chuẩn bị trận đánh lớn năm 2022

 

“Năm ngoái và năm nay sẽ rất vi diệu. Năm ngoái thiếu cá, năm nay cũng sẽ thiếu cá hơn và điều này làm toàn ngành đều có lời” - đây là nhận định về triển vọng thị trường cá tra năm nay của bà Trương Thị Lệ Khanh, chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), người được mệnh danh là “nữ hoàng cá tra”.

 

Kể từ cuối năm 2021 đến nay, ngành cá tra đã thực sự hồi sinh kể từ cuộc khủng hoảng dư cung và COVID-19 kéo dài từ năm 2019. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với lãi sau thuế tăng bằng lần.

   Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp cá tra đầu ngành quý I/2022 (H.Mĩ tổng hợp) 

Điển hình như Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, khi doanh thu thuần quý I đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng hơn 300% lên 553 tỷ đồng. Với kết quả này, Vĩnh Hoàn đã hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu thuần và 34% mục tiêu lợi nhuận ròng trong năm 2022.

Hay với Nam Việt (Mã: ANV), doanh thu thuần đạt 1.219 tỷ đồng, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó doanh thu xuất khẩu chiếm 72% với gần 880 tỷ đồng còn lại 339 tỷ là doanh thu xuất khẩu.  Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 9,3% cùng kỳ năm ngoái lên 29,45% kỳ này. Kết quả, Nam Việt báo lãi ròng gần 207 tỷ đồng, gấp 3,23 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Với CTCP XNK Thuỷ sản Cửu Long Giang (Mã: ACL), mặc dù doanh thu chỉ tăng nhẹ khoảng 1% nhưng lợi nhuận tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 62 tỷ đồng nhờ giá vốn giảm tới hơn 25%, chi phí tài chính giảm 26%. Do đó, lợi nhuận gộp tăng tới 236% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đáng chú ý trong số các công ty xuất khẩu cá tra niêm yết trên sàn chứng khoán, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (Mã: IDI) khi lợi nhuận sau thuế tăng gấp gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 201 tỷ đồng.

 

Hiện tại, giá cá tra đạt ngưỡng kỷ lục, dao động trong khoảng 31.000 - 34.000 đồng/kg. Như vậy, so với cùng kỳ, giá cá tra nguyên liệu đã tăng 20 - 25% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương 8.000 - 10.000 đồng/kg). Nguyên nhân của đợt tăng giá vừa qua xuất phát từ việc thiếu hụt nguồn cung. 

 Giá cá tra nguyên liệu trong 3 tháng đầu năm tăng mạnh (Nguồn: VASEP)

Năm 2021, dưới tác động của dịch COVID-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng nhiều hộ đã không thể thả nuôi theo đúng kế hoạch cho năm nay. Các ao cá chỉ duy trì, hạn chế cho ăn và đâu dám thả nuôi thêm.  Điều này dẫn tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngay từ năm.

Hơn nữa, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng cá tra; giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây (trong đó giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020) ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu. 

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 3, diện tích thả nuôi mới cá tra chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) dự báo tình trạng khan hiếm nguyên liệu sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới ít nhất là hết quý II. 

Việc giá cá tra nguyên liệu tăng kéo theo giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường cũng tăng theo. 

Theo số liệu từ VASEP, giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu trung bình neo ở mức cao từ 3,2 - 3,4 USD/kg.

Trong đó, giá xuất khẩu trung bình sang thị trường Mỹ cao nhất và tăng mạnh lên tới hơn 4,5 USD/kg. Đây là mức giá cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019.

Giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu trung bình đi thị trường Trung Quốc cũng cao hơn hẳn so với năm ngoái, dao động từ 2,4 - 3,25 USD/kg (cùng kỳ năm ngoái ở mức 1,9 - 2,7 USD/kg). 

Ngoài ra, ở các thị trường khác giá cá tra xuất khẩu cũng khả quan. Giá phile cá đông lạnh xuất khẩu đi EU cũng khả quan, dao động từ 2,9 - 3,45 USD/kg.

Tính hết quý I, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng dương từ hai tới ba con số, điển hình như Trung Quốc, Mỹ và EU (lần lượt là163%,123% và 86% ).

 

Trong năm nay, ngành cá tra tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực về thị trường bên cạnh việc giá liên tục tăng trong thời gian qua. 

Theo đó, xung đột Nga - Ukraine được xem là cơ hội cho cá tra Việt Nam khi sản phẩm này được kỳ vọng có thể thế chỗ cho các minh thái của Nga trong khẩu phần ăn của người dân khu vực châu Âu.

Ngoài ra, thuế nhập khẩu cá tra của Việt Nam vào thị trường EU sẽ dần được giảm từ mức 5,5% xuống còn 0% trong 3 năm theo hiệp định EVFTA.

Ở thị trường Mỹ, nhu cầu tiêu thụ cá tra cũng đang tăng trưởng mạnh sau đại dịch COVID-19.VASEP cho rằng tình trạng lạm phát kỷ lục đang diễn ra ở Mỹ do chuỗi cung ứng đứt gãy và tác động của khủng hoảng Ukraine, giá cả tăng chóng mặt, nhu cầu nhu yếu phẩm thiết yếu, trong đó có thực phẩm, thủy sản tăng mạnh, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp cá tra đông lạnh sang thị trường này. 

Với những triển vọng sáng của ngành, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tỏ ra lạc quan hơn về kết quả kinh doanh trong năm nay khi đồng loạt nâng mục tiêu doanh thu, lợi nhuận.

Doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng mạnh nhờ giá cá tra xuất khẩu ở mức cao và yếu tố thị trường thuận lợi (H.Mĩ tổng hợp) 

Điển hình như doanh nghiệp đầu ngành là Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 43,5% và tăng 35,6% so với năm 2021.

Nếu đạt được thì đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi hoạt động của công ty. Giá nguyên liệu cao dẫn đến giá xuất khẩu cao. Tuy nhiên, đối với Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi lớn từ biên lợi nhuận gộp mở rộng do có thể tự cung cấp được nguyên liệu.

Tổng Giám đốc Vĩnh Hoàn Nguyễn Ngô Vi Tâm cho biết, năm 2022 cũng là năm được xác định là cột mốc hoàn thành các dự án đầu tư quan trọng với mục tiêu tăng định giá lên gấp đôi, đạt mức 1 tỷ USD đến năm 2025.

Năm nay, Vĩnh Hoàn lên kế hoạch đầu tư với tổng giá trị lên đến 1.530 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi bổ sung ngân sách 100 tỷ đồng, xây dựng xưởng chế biến bột cá, mỡ cá và cải tạo nhà máy tại Công ty Thanh Bình 350 tỷ đồng, đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất Collagen, 1 line cho hoạt động R&D và cải tạo nhà máy tại Công ty Vĩnh Hoàn Collagen 150 tỷ đồng. 

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán SSI, lợi nhuận mảng cá tra của Vĩnh Hoàn có thể đạt đỉnh trong năm 2022 khi doanh nghiệp này đang phát triển trung tâm cá giống và mở rộng tổng diện tích nuôi khoảng 100-150 ha, nâng tỷ trọng cá nguyên liệu tự cung tự cấp lên mức 70%.

Việc chủ động nguyên liệu sẽ giúp VHC gia tăng thị phần ở Mỹ, vốn có mức tiêu thụ khá ổn định. Đồng thời, VHC cũng kỳ vọng có thêm cơ hội từ thị trường Châu Âu và Trung Quốc trong trung hạn.

Còn với I.D.I, trong bối cảnh thị trường cá tra đang phục hồi mạnh, ban lãnh đạo công ty sẽ tiếp tục triển khai dự án xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản số 3 với công suất thiết kết 500 tấn nguyên liệu/12 giờ/ ngày, dự kiến xây dựng vào quý IV/2022 trên phần quỹ đất sẵn có của công ty. 

Hiện tại, IDI có hai nhà máy với công suất lần lượt là 150 tấn/ngày và 300 tấn/ngày. Các nhà máy đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khi thế giới mở cửa giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa mạnh trở lại.

“Chính vì vậy mà nhu cầu cần xây dựng thêm nhà máy chế biến thủy sản số 3 là rất cần thiết cho sự ổn định và phát triển của Công ty trong tương lai”, IDI cho biết.

Đơn vị cũng đã chuẩn bị kho hàng dự trữ lên đến 1.400 tỷ đồng cá tra giá rẻ (17.000 – 18.000 đồng/kg) cho đợt nhu cầu thị trường phục hồi này, đặc biệt là Mexico và Brazil – nơi IDI chiếm thị phần lớn.

Năm nay, IDI đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 900 tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Công ty CP XNK Thuỷ sản Cửu Long An Giang mới đây trình cổ đông kế hoạch doanh thu thuần dự kiến đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 20% và lãi trước thuế đạt 200 tỷ đồng, gấp 4 lần năm trước. 

Năm ngoái doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của công ty chỉ đạt lần lượt 86% và 60% so với kế hoạch do dịch COVID-19 tấn công vào từng nhà máy khiến hoạt động nuôi trồng, vận chuyển và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Năm nay công ty dự định tập trung nguồn lực vào nuôi trồng, chế biến cá tra xuất khẩu và không đầu tư ngoài ngành. Đồng thời công ty tăng cường về chiều sâu các mặt trong hoạt động kinh doanh, đa dạng hoá sản phẩm từ con cá tra với mục tiêu đưa cá tra trở nên quen thuộc với nhiều thị trường hơn nữa.

Còn đối với Nam Việt, trong năm nay công ty đẩy mạnh mảng mới là sản xuất collagen và gelatin từ cá tra. Đây là mảng sản xuất mà Vĩnh Hoàn cũng đang làm trong nhiều năm nay.

Theo đó, dự kiến tháng 7, nhà máy Amicogen sản xuất collagen và gelatin công suất 780 tấn/năm với tổng mức đầu tư 48,4 tỷ đồng sẽ lắp đặt xong. Nhà máy này được khởi công hồi đầu tháng 12/2021 tại Khu công nghiệp Thốt Nốt-TP Cần Thơ.

Đây là dự án liên doanh giữa Navico với Amicogen, được biết đến như nhà sản xuất C&G hàng đầu của Hàn Quốc với hơn 21 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất và chế biến các sản phẩm làm đẹp.

Thêm nữa, bắt đầu từ tháng 8/2022, Công ty sẽ xuất khẩu các sản phẩm từ cá tra đi thị trường Mỹ.

Đồng thời, Nam Việt lên kế hoạch thành lập Công ty TNHH MTV Chế biến Thức ăn Thủy sản Nam Việt. Công ty này dự kiến sẽ hoạt động với công suất hơn 1.000 tấn thức ăn/ngày. 

Mặc dù vậy, VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp và người nuôi cần thận trọng tính toán và cân đối giữa diện tích, sản lượng nuôi với biến động thị trường để tránh lặp lại khủng hoảng thừa như cách đây vài năm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm