Doanh nghiệp

Biên lợi nhuận của loạt doanh nghiệp thép tụt dốc, nguyên nhân do đâu?

Các doanh nghiệp thép lớn đều tăng trưởng doanh thu trong quý I/2022.

Doanh thu tăng cùng giá và sản lượng

Thống kê của chúng tôi từ báo cáo tài chính của 9 doanh nghiệp thép lớn trên sàn chứng khoán cho thấy tất cả đều ghi nhận doanh thu quý I/2022 tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thép và sản lượng tiêu thụ cùng đi lên là động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trong quý vừa qua.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép xây dựng toàn ngành trong quý I đạt xấp xỉ 3 triệu tấn, cao hơn 23% so với quý đầu năm 2021. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 460.000 tấn, tăng 55%. Tương tự, tiêu thụ tôn mạ và ống thép đi lên lần lượt 4% và 15%.

Giá thép xây dựng trên sàn London (CME) vào cuối tháng 3 là khoảng 942 USD/tấn, tăng 43% so với đầu năm 2021.

 

Tại Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), sản lượng bán hàng thép xây dựng thành phẩm, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 2,17 triệu tấn, tăng 12% so với quý I năm ngoái. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm là 1,34 triệu tấn, tăng 57%.

Tiêu thụ HRC của Hòa Phát trong ba tháng đầu năm đạt 763.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ 2021. Các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ lần lượt là 207.000 tấn và 105.000 tấn, tương ứng mức tăng 13% và 43%.

Theo thống kê của Chứng khoán HSC, giá bán thép xây dựng bình quân của Hòa Phát trong quý I năm nay là 17,18 triệu đồng/tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán thép HRC là 653 USD/tấn, tăng 25%. Doanh thu thuần quý I của Hòa Phát đạt 44.058 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Đây cũng là mức doanh thu cao thứ 2 trong lịch sử tập đoàn.

Hòa Phát ghi nhận hơn 44.000 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2022.

Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) ghi nhận doanh thu thuần quý I/2022 (tức quý II trong niên độ của Hoa Sen) đạt 12.661 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong ba tháng đầu năm 2022, Hoa Sen đã tiêu thụ hơn 354.000 tấn tôn mạ và 107.000 tấn ống thép, lần lượt chiếm 28,2% và 14,4% thị phần toàn ngành. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tôn mạ và ống thép của Hoa Sen giảm lần lượt 20% và 10%. Tuy nhiên, như biểu đồ bên dưới cho thấy, Hoa Sen vẫn đang dẫn đầu thị phần tôn mạ.

Thị phần của Hoa Sen thu hẹp đáng kể nhưng vẫn đang dẫn đầu toàn ngành.

Doanh thu của Hoa Sen hiện không chỉ đến từ việc tiêu thụ các sản phẩm do chính Hoa Sen sản xuất mà còn bao gồm doanh thu thương mại nhiều mặt hàng nội thất và vật liệu xây dựng như đá ốp lát, sơn bả, bồn nước, sứ vệ sinh, xi măng, máy công trình, … Vì vậy, tăng trưởng doanh thu của Hoa Sen có sự đóng góp đáng kể của mảng phân phối.

  • TIN LIÊN QUAN
  • Chiến lược kinh doanh trái ngược của các đại gia thép Hoa Sen, Hòa Phát, Nam Kim

Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ đang lên kế hoạch biến Hoa Sen trở thành doanh nghiệp thuần túy phân phối bằng cách mở rộng chuỗi siêu thị Hoa Sen Home, đồng thời sẽ bán hết các tài sản liên quan tới sản xuất ống thép, ống nhựa và tôn mạ hiện nay.

Công ty cổ phần Thép Nam Kim (Mã: NKG) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 7.151 tỷ đồng trong quý vừa qua, tăng trưởng 47% so với quý I năm ngoái

Theo số liệu của VSA, trong ba tháng đầu năm 2022, Nam Kim tiêu thụ gần 214.000 tấn tôn mạ và khoảng 31.000 tấn ống thép, lần lượt tăng trưởng 10% và giảm 32% so với quý I/2021. Nam Kim tụt xuống vị trí thứ 3 về thị phần tôn mạ quý I năm nay, trong khi Đông Á vươn lên xếp số 2.

 

Giá nguyên liệu tăng cao, biên lãi gộp đồng loạt đi xuống

Doanh thu bán thép tăng cao nhưng giá vốn hàng bán còn đi lên mạnh hơn, dẫn tới lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp đi xuống. Nguyên nhân là vào quý I/2022, các doanh nghiệp thép không còn nguyên liệu tồn kho giá rẻ như năm ngoái.

Một số công ty có lợi nhuận gộp tăng trưởng như Hòa Phát, Nam Kim hay Thép Việt Đức (Mã: VGS). Tuy vậy, chỉ có Nam Kim ghi nhận tăng trưởng biên lãi gộp, các doanh nghiệp còn lại đều có biên lãi gộp suy giảm.

Thép Việt Ý (Mã: VIS) có lãi gộp gần 33 tỷ đồng trong quý I/2021 nhưng sang quý đầu năm nay chỉ còn chưa đầy 16 triệu đồng. Từ ngày 22/4 năm nay, gần 74 triệu cổ phiếu VIS đã bị hủy niêm yết khỏi Sàn Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vì Thép Việt Ý hủy tư cách công ty đại chúng.

 

Với Hòa Phát, biên lãi gộp quý I/2022 tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng đã cải thiện so với quý IV/2021. Chênh lệch giữa biên lãi gộp và biên lãi thuần kỳ này là 4,3 điểm %, cao hơn mức 3,8 điểm % của quý đầu năm ngoái, cho thấy tập đoàn đã kiểm soát tốt hơn nhiều loại chi phí hoạt động.

Hòa Phát có biên lãi gộp và biên lãi thuần cao nhất ngành thép.

Lợi nhuận thuần xuống dốc

Lãi gộp sa sút đã kéo theo theo lãi sau thuế của nhiều doanh nghiệp thép trượt dốc. Nam Kim, Hòa Phát và Thép Việt Đức đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng, nhưng chỉ có Nam Kim báo cáo biên lãi thuần cải thiện 0,5 điểm %.

Thống kê bên dưới cho thấy biên lợi nhuận thuần của Hòa Phát giảm từ 22,5% quý I năm ngoái xuống còn 18,6% trong quý đầu năm nay, Thép Tiên Lên (Mã: TLH) giảm từ 12,3% còn 4,8%, Pomina (Mã: POM) tụt từ 2,8% còn 1,6%, …

 

Giải trình của Nam Kim cho biết doanh thu quý I tăng là do công ty đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Sản lượng tăng làm cho chi phí sản xuất bình quân giảm, biên lợi nhuận gộp tăng làm cho lãi ròng tăng.

Thép Việt Ý chuyển từ lãi 13 tỷ đồng thành lỗ 37 tỷ sau một năm. Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen cũng chuyển biến tiêu cực khi lãi sau thuế lao dốc 77% còn 234 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 8 quý trở lại đây.

Ngoài lợi nhuận gộp sa sút, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng thêm lần lượt 279 tỷ và 99 tỷ so với cùng kỳ năm trước cũng là những nguyên nhân quan trọng khiến cho lãi thuần của Hoa Sen đi xuống. Các loại chi phí nói trên tăng mạnh khi Hoa Sen thúc đẩy việc mở rộng hệ thống siêu thị nội thất và vật liệu xây dựng Hoa Sen Home.

Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 31% lên 6.630 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lao dốc tới 62,6% còn 80,5 tỷ đồng.

Giải trình của SMC cho biết sản lượng tiêu thụ quý I năm nay chỉ tăng 7% so với cùng kỳ 2021, nhưng giá thép tăng cao dẫn đến doanh thu tăng 31%. Tuy nhiên, mức tăng của giá thép không đủ bù lại mức tăng nhanh của giá nguyên, nhiên vật liệu sản xuất thép. Kết quả là biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 8,5% trong quý I/2021 xuống còn 2,9% kỳ này.

Tập đoàn Thép Tiến Lên (Mã: TLH) báo cáo doanh thu thuần tăng trưởng gần 84% lên 1.796 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế cũng giảm 28% còn 86,4 tỷ đồng. Giải trình của công ty cho biết giá thành phẩm tăng nên doanh thu cũng đi lên tương ứng. Do giá nguyên vật liệu tăng nhanh hơn giá thành phẩm nên biên lãi gộp và lợi nhuận ròng sa sút.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm