Vào năm 2017, Sarah Harvey quyết định từ bỏ công việc ở London để chuyển tới Nhật Bản sinh sống. Sau 6 tháng tại đây, cô đã học được phương pháp tiết kiệm “Kakeibo” khiến thói quen chi tiêu thay đổi tích cực.
Kakeibo: Phương pháp tiết kiệm hữu hiệu của người Nhật
Kakeibo, phát âm là “kah-keh-boh,” tạm dịch là “sổ ghi chép chi tiêu tài chính”, được phát minh vào năm 1904 bởi một phụ nữ tên Hani Motoko (nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản). Kakeibo là một cách quản lý tài chính vô cùng đơn giản.
Có nhiều người sống vô tư và thoải mái với việc mua những đồ cần thiết. Thế nhưng Sarah thì khác. Cô có thói quen mua sắm khi cảm thấy buồn chán, căng thẳng hoặc không hài lòng về điều gì đó. Đôi khi, cô cũng chi tiêu vượt khả năng khi cảm thấy vui vẻ hoặc muốn ăn mừng điều gì đó.
Nhiều người đồng tình rằng việc thay đổi thói quen xấu không dễ thực hiện - một phần là do thói quen chi tiêu đã ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày và những cảm xúc khó bỏ.
May mắn thay, trong 116 năm qua, Kakeibo đã hoạt động hiệu quả trong việc giúp mọi người đưa ra các quyết định tài chính thông minh hơn.
Không cần công nghệ — chỉ cần một cuốn sổ và bút
Giống như tất cả các hệ thống lập ngân sách, ý tưởng đằng sau Kakeibo là giúp bạn hiểu mối quan hệ của bản thân với tiền bạc bằng cách ghi chép những điều "ra và vào".
Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt của Kakeibo là nó không liên quan đến bất kỳ phần mềm lập ngân sách, ứng dụng hoặc trang tính Excel nào. Tương tự như nhật ký, Kakeibo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viết ra mọi thứ - như một phương pháp nhằm kiểm soát thói quen chi tiêu của bạn.
Không ít những nghiên cứu đã chứng minh lợi ích của việc viết tay: Nó có thể giúp bạn tạo ra thay đổi tích cực bằng cách khuyến khích chúng ta tự ý thức hơn, đồng thời thừa nhận nguyên nhân phía sau những thói quen xấu.
Theo phương pháp Kakeibo, bạn phải tự hỏi bản thân những câu hỏi sau trước khi mua bất kỳ mặt hàng nào, hoặc những thứ bạn hứng lên mua nhưng không cần thiết:
- Mình có thể sống mà không có món đồ này không?
- Liệu hiện giờ mình có đủ khả năng mua món đồ này không?
- Mình có thực sự sử dụng nó không?
- Liệu nơi mình ở có đủ chỗ chứa nó không?
- Mình thấy món đồ này lần đầu tiên ở đâu? (Mình thấy ở tạp chí ư? Mình có thấy món này khi lướt trên các trang mua sắm không?).
- Hôm nay mình cảm thấy thế nào? (Bình tĩnh? Căng thẳng? Hứng khởi? Cảm thấy tồi tệ về bản thân?).
- Mình sẽ cảm thấy ra sao khi mua nó? (Hạnh phúc? Hào hứng? Thờ ơ? Và cảm giác này sẽ kéo dài bao lâu?).
Mặc dù Kakeibo có hiệu quả trong việc giúp Sarah luôn nắm vững tài chính, nhưng điều kakeibo thực sự mang lại là buộc cô phải suy nghĩ về việc mua hàng và động cơ mua sắm - điều mà các phương pháp khác không làm được.
Nói cách khác, cuối cùng Sarah đã có thể chiến thắng nỗi sợ hãi khi hiểu rõ về “nhu cầu” và “mong muốn” của mình. Kết quả là cô trở nên giỏi hơn trong việc đưa ra các quyết định nhanh, thông minh và hợp lý hơn trong việc chi tiền cho mặt hàng nào đó.
Điều quan trọng cần lưu ý là Kakeibo không sinh ra để cản trở mọi niềm vui trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn đang cảm thấy lo lắng, hãy cứ mua cho mình một bông hoa để vui hơn. Thay vì phải kiên quyết thay đổi, phương pháp này sẽ sửa thói quen xấu của bạn một cách từ từ và “dễ thở”.
Làm thế nào để chi tiêu có tâm hơn
Để thấy được hiệu quả rõ rệt, điều quan trọng là bạn phải cam kết đặt những câu hỏi phù hợp trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch không cần thiết nào.
Dưới đây là một số chiến lược đơn giản theo chủ đề Kakeibo để đảm bảo rằng bạn sẽ chi tiêu có tâm hơn:
1. Để mặt hàng ở giỏ trong vòng 24 giờ.
Điều này để nhấn mạnh về quyết định việc bạn mua hay không mua. Nếu tới ngày hôm sau, bạn vẫn trăn trở về việc mua hàng trong khi đủ khả năng chi trả, hãy mua nó. Bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn về quyết định của mình.
2. Đừng để “giảm giá” cám dỗ bạn.
Sarah từng là một cô gái say mê săn những đợt sale khủng, đồng nghĩa, cô thường phải tiêu tiền cho những thứ gần như không bao giờ động tới. Vì vậy, đối với mỗi mặt hàng bạn có trong giỏ sau một đợt giảm giá, hãy tự hỏi liệu bạn sẽ mua nó ở mức giá gốc trước khi sale hay không?
3. Kiểm tra số dư ngân hàng thường xuyên.
Kiểm tra số dư sẽ giúp bạn kiểm soát tài chính của mình nhiều hơn vì nó tập trung vào số tiền bạn phải chi tiêu. Hiện giờ, điều đầu tiên Sarah làm mỗi sáng là kiểm tra số dư của mình. Theo cô, thoạt đầu, đây là một thói quen đáng sợ, nhưng cũng là một cách tốt để giảm bớt lo âu về tài chính.
4. Chi tiêu bằng tiền mặt.
Việc dùng tiền mặt thay vì chỉ quẹt thẻ một cách vô thức sẽ giúp bạn ý thức hơn về những thứ mình đang chi. Hãy thử rút một lượng tiền mặt nhất định để sử dụng trong tuần và chi tiêu giới hạn trong số tiền đó.
5. Đặt lời nhắc trong ví của bạn.
Một người bạn của Sarah đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời là dán giấy nhớ vào thẻ tín dụng của mình với câu: "Mình THỰC SỰ cần cái này ư?!". Bất cứ điều gì giúp bạn dừng lại suy nghĩ trước khi mua hàng đều sẽ giúp bạn đưa ra quyết định thông minh hơn.
6. Thay đổi động lực khiến bạn chi tiêu.
Nếu bạn nhận thấy rằng mình thường tiêu tiền sau khi nhấp vào email tiếp thị hoặc xem ảnh của người mẫu trên Instagram, thì hãy hủy đăng ký hoặc hủy theo dõi. Hoặc, nếu bạn muốn mua quần áo hoặc đồ trang điểm khi rảnh rỗi, hãy thử sử dụng thời gian đó cho việc khác, chẳng hạn như đi dạo công viên.
Sarah vẫn thỉnh thoảng mua cho bản thân nhiều thứ không cần thiết, và đây là một điều tốt, thậm chí còn được nhiều người khuyến khích. Hãy nhớ rằng, Kakeibo nhằm vào việc kiểm soát những giao dịch chỉ mang lại cho bạn sự thỏa mãn tạm thời.
Các hành động chi tiêu và tiết kiệm có liên quan với nhau rất nhiều. Chỉ nhờ những thay đổi nhỏ khi sử dụng Kakeibo, Sarah đã nhận thấy những thay đổi tích cực trong tài khoản ngân hàng của mình. Quan trọng hơn, cô đã học được cách đưa ra quyết định khôn ngoan hơn về cách đầu tư cho những thứ thực sự quan trọng.
(Nguồn: CNBC)