Theo Android Police, ý tưởng về một chiếc điện thoại thông minh có thể tự sạc pin bằng năng lượng mặt trời là vô cùng hấp dẫn. Thậm chí, gần đây, hãng điện thoại Infinix cũng đã trình diễn các mẫu ý tưởng tích hợp pin mặt trời trên lưng smartphone.
Tuy nhiên, dù ý tưởng có vẻ rất 'xanh' và tiện lợi, nhưng thực tế là chưa có một chiếc smartphone Android nào trang bị tính năng này thành công trên thị trường đại trà. Tại sao công nghệ đầy hứa hẹn này lại thất bại liên tục?

Ý tưởng điện thoại năng lượng mặt trời của Infinix
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH ANDROID POLICE
Điện thoại năng lượng mặt trời: Ý tưởng đột phá nhưng kém hiệu quả
Nguyên nhân cốt lõi đầu tiên nằm ở hiệu suất chuyển đổi năng lượng cực thấp khi đặt trên một diện tích nhỏ như mặt lưng điện thoại. Ngay cả những tấm pin mặt trời hiệu suất cao nhất cũng chỉ thu được khoảng 25% năng lượng ánh sáng.
Một tấm pin với kích cỡ tương đương chiếc Galaxy S25 Ultra cũng chỉ tạo ra khoảng 3W điện, trong khi concept của Infinix chỉ đạt 2W trong điều kiện lý tưởng. Với công suất này, việc sạc đầy một viên pin 5.000 mAh sẽ mất hơn 9 tiếng, hiệu suất quá chậm chạp so với chuẩn sạc nhanh 25W phổ biến hiện nay. Hơn nữa, pin mặt trời chỉ đạt hiệu suất tối đa dưới ánh nắng trực tiếp, gần như vô dụng trong bóng râm hay ánh đèn điện.
Không chỉ kém hiệu quả, việc tích hợp pin mặt trời còn đi kèm hàng loạt đánh đổi và bất tiện. Để có chỗ cho tấm pin, nhà sản xuất phải làm điện thoại dày hơn hoặc chấp nhận dùng pin dung lượng nhỏ hơn. Tính năng sạc không dây cũng gần như không thể trang bị cùng lúc.
Bên cạnh đó, pin mặt trời lại rất mỏng manh, dễ hư hỏng và việc dùng ốp lưng bảo vệ cũng che lấp chúng, làm mất tác dụng. Quan trọng hơn, để sạc hiệu quả, người dùng phải phơi điện thoại dưới nắng gắt, nhưng hành động này lại là 'kẻ thù' của pin lithium-ion vốn rất kỵ nhiệt độ cao, gây 'chai' pin và giảm tuổi thọ thiết bị nhanh chóng.
Thực tế, ý tưởng này không mới. Nokia từng thử nghiệm vào năm 1997, Samsung và LG cũng ra mắt vài mẫu vào năm 2009, tuy nhiên, tất cả đều không thành công. Lý do chính là lượng điện tạo ra quá ít (chỉ đủ cho khoảng 10 phút gọi sau 1 giờ phơi nắng), không mang lại lợi ích thực tế đáng kể trong sử dụng hằng ngày.
Rõ ràng, việc tích hợp pin mặt trời vào smartphone với công nghệ hiện tại là chưa khả thi do quá nhiều hạn chế và lợi ích không rõ ràng. Thay vào đó, ngành công nghiệp đang tập trung vào các giải pháp thiết thực hơn như phát triển công nghệ pin mới với mật độ năng lượng cao hơn hoặc sử dụng sạc dự phòng.
Có lẽ, chúng ta sẽ phải chờ đợi một đột phá công nghệ lớn hơn nữa trước khi giấc mơ về chiếc điện thoại năng lượng mặt trời thực sự hữu dụng trở thành hiện thực.