Chị Ngân khám cấp cứu vì đau bụng nhiều, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, kết quả siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy nhiều khối u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng trái và trong tử cung. Trong đó, u buồng trứng trái kích thước 5x5x8 cm, có dịch trong bụng, bác sĩ nghi ngờ vỡ u.
ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết lạc nội mạc tử cung thường có biểu hiện gây đau bụng dưới kéo dài. Cơn đau cấp tính liên quan đến u lạc nội mạc tử cung thường do viêm nặng, vỡ u, lúc này người bệnh có triệu chứng dễ nhầm lẫn với viêm ruột thừa, nếu đau bụng nhiều ở bên phải. Chị Ngân từng phẫu thuật mổ lấy thai, được bóc u lạc nội mạc tử cung buồng trứng phải do vỡ năm ngoái. Lần này, khối u lạc nội mạc ở buồng trứng trái có thể bị viêm, chèn ép hoặc vỡ.
Êkíp phẫu thuật, quan sát ổ bụng và hút nhiều dịch đục ra ngoài. Phần ruột thừa bình thường không viêm. Tử cung chị Ngân kích thước lớn gấp ba (bình thường khoảng 8x5x3 cm) và bị dính toàn bộ vào hai phần phụ, các quai đại tràng. Hai tai vòi phù nề to, buồng trứng trái có khối nang lạc nội mạc tử cung 4x6x8 cm, dính chặt vào hố chậu bên trái, tình trạng dính nặng do viêm, lâu ngày. Do đó, bác sĩ phải cắt bỏ tử cung và hai phần phụ, rửa sạch ổ bụng.
"Cắt toàn bộ tử cung, buồng trứng là biện pháp cuối cùng do bệnh nặng, không cải thiện với mọi phương pháp điều trị khác", bác sĩ Quý Khoa lý giải, nói thêm rằng nang lạc nội mạc tử cung tái phát nhưng không được phát hiện sớm, để vỡ lần thứ hai như chị Ngân là trường hợp đáng tiếc. Bệnh phụ khoa này khá lành tính nhưng phụ nữ không nên chủ quan vì có thể bị viêm nhiễm nặng, vỡ nang gây xuất huyết, viêm phúc mạc.

Bác sĩ Quý Khoa (phải) và êkíp phẫu thuật cho chị Ngân. Ảnh: Tuệ Diễm
Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô nội mạc tử cung phát triển tại các vị trí như buồng trứng, vòi trứng, thành tử cung, tầng sinh môn, có thể ở ruột hoặc bàng quang, phổi, dạ dày, mũi.... Mỗi tháng, khi phụ nữ có kinh nguyệt, mô này chịu tác động của hormone và "hành kinh" như trong tử cung, dẫn đến viêm, đau, hình thành nên khối nang.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do kinh nguyệt chảy ngược dòng, di truyền, miễn dịch, nội tiết tố. Tiền sử có phẫu thuật vùng bụng chậu, mổ lấy thai dễ khiến các mô lạc nội mạc tử cung hình thành và phát triển. Lạc nội mạc ở tử cung có thể xảy ra ở mọi phụ nữ, phổ biến trong độ tuổi 30-40. Nhóm phụ nữ nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu chưa có con, tiền sử gia đình có mẹ hoặc chị gái mắc bệnh, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày, vấn đề bất thường hoặc dị tật bẩm sinh khiến dòng chảy kinh nguyệt trong cơ thể tắc nghẽn.
Bệnh khó nhận biết, dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng kinh nguyệt thông thường như đau bụng kinh, đau vùng chậu kéo dài, đau khi quan hệ tình dục, khó mang thai. Nếu phát hiện muộn có thể gây vô sinh, dính tử cung, buồng trứng. Phụ nữ mắc bệnh này dễ tái phát, hiện không có cách chữa khỏi hoàn toàn. Phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung bằng các loại thuốc nội tiết hoặc có thể can thiệp ngoại khoa.
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |