Chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát là một chương trình lớn do Nhà nước triển khai quyết liệt nhằm cải thiện điều kiện sống cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách.
Chính phủ đặt mục tiêu đến ngày 31.10.2025 sẽ cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc. Tính đến đầu tháng 3, cả nước đã xây mới hoặc sửa chữa hơn 121.000 căn, đạt hơn một nửa kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 100.000 căn cần hoàn thành trong năm nay, tức trung bình phải xử lý gần 460 căn/ngày.

Ông Nguyễn Phước Lộc (thứ ba từ phải sang), Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, thăm hộ gia đình khó khăn ở P.7, Q.6 trong buổi lễ bàn giao nhà
ẢNH: T.N
Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ huy động nhiều nguồn lực như ngân sách nhà nước, quỹ vì người nghèo cũng như sự đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp.
Phát huy truyền thống luôn tích cực hưởng ứng các phong trào an sinh xã hội do T.Ư phát động, chính quyền TP.HCM, đặc biệt là hệ thống MTTQ các cấp, đã chủ động triển khai chủ trương, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân chung tay đóng góp để đảm bảo nguồn lực thực hiện chương trình có kết quả cao.
Hơn 70 tỉ đồng xây mới, sửa chữa 1.222 căn nhà
Ngày 20.4, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 đã phối hợp Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết chương trình xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời hưởng ứng phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên địa bàn thành phố.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM Nguyễn Thị Kim Thúy (thứ năm từ trái sang) trao quà cho hộ khó khăn ở P.13, Q.Tân Bình hồi tháng 3.2025
ẢNH: MTTQ TP.HCM
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, cho biết đến nay thành phố đã xây mới và sửa chữa tổng cộng 1.222 căn nhà, với tổng kinh phí hơn 70 tỉ đồng từ nguồn lực xã hội hóa.
Ở cấp thành phố, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 đã chủ động phát động trong toàn hệ thống ngành ngân hàng TP.HCM, kêu gọi các đơn vị cùng tham gia ủng hộ chương trình.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, các ngân hàng gồm: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) khu vực phía nam, Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank), Ngân hàng Quốc tế VN (VIB) và Ngân hàng TMCP Công thương VN (Vietinbank) đã đóng góp hơn 25,3 tỉ đồng cho Quỹ vì người nghèo TP.HCM.

Q.8 bàn giao công trình sửa chữa nhà cho hộ bà Nguyễn Thu Hồng ở P.Rạch Ông
ẢNH: T.N
Nhờ nguồn lực đóng góp từ các ngân hàng, có 323 căn nhà trên địa bàn đã được xây dựng và sửa chữa (đạt 100% chỉ tiêu), qua đó giúp các hộ dân có nơi ở ổn định, vững chắc.
Ở các quận, huyện và TP.Thủ Đức, hệ thống MTTQ VN cấp huyện, cấp xã cùng các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tích cực vận động nguồn lực để hỗ trợ xây mới, sửa chữa 899 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.HCM. Tổng kinh phí thực hiện hơn 44,8 tỉ đồng.
Người dân vui mừng, cảm kích
Nhiều hộ dân tại TP.HCM đã bày tỏ niềm xúc động và biết ơn khi được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở thông qua phong trào "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát".
Là một trong những hộ được hỗ trợ sửa nhà, chị Hồ Ngọc Phụng (ở P.5, Q.8) chia sẻ: "Sửa được căn nhà khang trang như vậy, tôi rất mừng. Có chỗ ở sạch sẽ giúp tôi yên tâm khởi nghiệp, làm ăn. Mẹ tôi cũng được ở thoải mái hơn, không còn phải sống trong môi trường ẩm thấp như trước. Tôi rất cảm ơn chính quyền TP.HCM".

Căn nhà mới, khang trang của bà Nguyễn Thị Thiệt sau khi được sửa chữa
ẢNH: T.N
Tương tự, chị Chiêm Lợi Hồng (ở P.2, Q.6) kể trước đây nhà của chị rất xập xệ, mưa thì dột, nước thì ngập, không có chỗ ngủ, cả nhà phải tát nước liên tục. Sau khi được UBND P.2 cùng MTTQ phường và quận hỗ trợ sửa chữa, căn nhà đã hoàn thành khiến chị rất mừng. "Giờ mới được ngủ trên nền gạch, chứ trước đó toàn là nền đất với xi măng thôi", chị Hồng chia sẻ.
Tại P.10, Q.Gò Vấp, bà Nguyễn Thị Thiệt cho biết trước đây mỗi khi mưa lớn, nhà bà thường xuyên bị ngập, con cháu phải leo lên cầu thang tránh nước và thay nhau tát nước suốt đêm. Nay có được căn nhà mới, bà bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và xúc động đến mức "không nói nên lời".

Sửa chữa nhà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn ở P.16, Q.8 vào tháng 3
ẢNH: T.N
Còn tại xã Hưng Long, H.Bình Chánh, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung cũng không giấu được sự xúc động: "Tôi rất cảm ơn những người đã quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ để gia đình tôi có được căn nhà khang trang. Phải nói là sung sướng lắm, vui lắm. Từ trước đến giờ, tôi chưa từng được nằm trên nền gạch mát mẻ, chưa bao giờ nghĩ mình có được điều đó".
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết phong trào không chỉ mang lại mái ấm cho hàng ngàn hộ dân, mà còn là một công trình có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).
Chương trình "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" nhận được sự đồng thuận và tinh thần trách nhiệm của toàn xã hội. Các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đã hưởng ứng, cùng đồng hành với chính quyền trong mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách.
Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục vận động các đơn vị, tổ chức cùng chung tay hỗ trợ kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương. Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, thành còn khó khăn trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM (thứ hai từ trái sang), động viên hộ gia đình khó khăn ở P.14, Q.6 trong buổi lễ bàn giao nhà
ẢNH: T.N
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2, chia sẻ rằng việc trực tiếp tiếp xúc với những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các cụ già được trao tặng những căn nhà khang trang, đã trở thành nguồn động lực lớn đối với mỗi cán bộ, công chức trong ngành ngân hàng TP.HCM. Từ cảm xúc đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục tích cực đóng góp, chung tay xây dựng những căn nhà tình thương, góp phần hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
UBND TP.HCM cũng đã có quyết định chi ngân sách năm 2025 để hỗ trợ các tỉnh Cà Mau, Kon Tum, Bến Tre và Lào Cai với tổng số tiền 209 tỉ đồng. Cụ thể, hỗ trợ Cà Mau 105 tỉ đồng, Kon Tum 49 tỉ đồng, Bến Tre 45 tỉ đồng và Lào Cai 10 tỉ đồng, để cùng triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo kế hoạch của từng địa phương.