Anh Tiến, ở Gia Lai, kết hôn một năm chưa có con, khám ở hai bệnh viện đều được chẩn đoán vô sinh do không có tinh trùng không rõ nguyên nhân. Bác sĩ Nguyễn Công Danh, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM), cho biết anh Tiến vô tinh do biến chứng viêm và teo tinh hoàn bên trái sau mắc quai bị với kích thước chỉ bằng 1/3 so với bên phải. Kích thước tinh hoàn bên phải cũng dưới tiêu chuẩn trung bình (khoảng 12-30 ml). Tinh hoàn trái còn di động sát vùng bẹn, tiếp xúc với nhiệt độ nóng hơn ở bìu, gây tổn thương nặng hơn và tăng nguy cơ ung thư.

Bác sĩ Nguyễn Công Danh khám và tư vấn phác đồ điều trị cho người bệnh. Ảnh: Thanh Luận
Xét nghiệm di truyền phát hiện thêm anh Tiến bị đột biến gene mất đoạn AZFc trên nhánh dài của nhiễm sắc thể Y (nơi chứa các gene quyết định khả năng sản xuất tinh trùng). "Đây là nguyên nhân quan trọng nhất khiến sức khỏe sinh sản của bệnh nhân suy giảm theo thời gian nhưng không có phương pháp cải thiện", bác sĩ Danh cho hay.
May mắn anh Tiến đi khám sớm nên có thể áp dụng kỹ thuật vi phẫu micro-TESE tìm tinh trùng, tiên lượng tỷ lệ thành công 60-70%. Nhờ hệ thống kính vi phẫu phóng đại gấp 30 lần, bác sĩ cắt lọc 10 mô ống sinh tinh tiềm năng ở tinh hoàn bên phải của bệnh nhân, tìm được 30 tinh trùng đủ điều kiện. Một nửa số tinh trùng này được thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cùng trứng của người vợ, số còn lại được trữ đông bảo tồn khả năng có con trong tương lai. Bác sĩ khâu cố định tinh hoàn trái vào đúng vị trí giải phẫu giúp giảm các tổn thương và hồi phục chức năng. Tổng thời gian phẫu thuật khoảng 90 phút. Người bệnh khỏe mạnh, xuất viện vào hôm sau.
Kết quả thụ tinh trong ống nghiệm và nuôi cấy được 6 phôi ngày 5 loại tốt. Vợ anh Tiến đang được chuẩn bị niêm mạc tử cung, dự kiến chuyển phôi vào tháng sau. Nếu sinh bé trai, vợ chồng anh Tiến được tư vấn khám, trữ đông tinh trùng cho con từ tuổi dậy thì, tránh nguy cơ di truyền bệnh cho con gây giảm khả năng sinh sản.

Các bác sĩ vi phẫu micro-TESE tìm tinh trùng cho anh Tiến. Ảnh: Thanh Luận
Theo bác sĩ Danh, ở tuổi dậy thì, thanh thiếu niên mắc đột biến gene mất đoạn AZFc vẫn có khả năng sản xuất tinh trùng tốt, xuất tinh vẫn có tinh binh, song số lượng giảm theo thời gian. Từ 35 tuổi trở đi, tỷ lệ tìm thấy tinh trùng ở người bệnh rất thấp, khoảng 30-45%.
Do đó, vợ chồng sau kết hôn một năm chưa có thai nên đến khám và điều trị sớm, tăng tỷ lệ thành công với chi phí thấp. Nam giới chưa kết hôn, nếu có bất thường ở cơ quan sinh sản, từng mắc bệnh quai bị, gia đình có bố hoặc anh em trai vô sinh, phải điều trị hỗ trợ sinh sản... nên cân nhắc trữ đông tinh trùng sớm. Tại IVF Tâm Anh TP HCM, với kỹ thuật vi phẫu micro-TESE, tỷ lệ tìm thấy tinh trùng đạt hơn 70%. Tỷ lệ IVF thành công trung bình gần 79%, ở trường hợp dưới 35 tuổi là gần 85%.
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Vào 20h ngày 22/4, chương trình tư vấn trực tuyến "Từ Micro-Tese thất bại đến cơ hội mới" sẽ được phát trên fanpage VnExpress. Các bác sĩ IVF Tâm Anh TP HCM sẽ tư vấn cụ thể những nguyên nhân vô sinh nam, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị tăng tỷ lệ thành công. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi tại đây. |