Xã hội

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lợi thế khi sáp nhập 22 tỉnh thành phía nam

Tóm tắt:
  • Phía nam còn 9 tỉnh, thành sau sáp nhập từ 22 tỉnh trước đó.
  • Sáp nhập nhằm thúc đẩy phát triển đa dạng về tự nhiên, kinh tế, văn hóa.
  • Đảm bảo liên kết vùng, phát huy lợi thế của các địa phương mới.
  • Quá trình cần thực hiện theo 5 yêu cầu về nguồn nhân lực, quy hoạch, pháp lý, quản lý, đối thoại.
  • Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò phát triển của TP.HCM mở rộng, liên kết vùng mạnh.

Sáp nhập tỉnh, tinh gọn bộ máy là một trong những nội dung trọng tâm được Tổng Bí thư Tô Lâm dành thời gian trao đổi trong buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025), diễn ra sáng 21.4 tại TP.HCM.

Tổng Bí thư nhấn mạnh sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển đất nước lâu dài. Mục tiêu bao trùm là làm sao mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân, đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Việc mở rộng không gian phát triển tạo lợi thế so sánh và dư địa mới cho các đơn vị hành chính mới. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận, đánh giá rất kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, người dân cơ bản đồng tình, ủng hộ.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lợi thế khi sáp nhập 22 tỉnh thành phía nam - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi về các chủ trương lớn của đất nước năm 2025 và nhiệm kỳ 2026 - 2030

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Sau sắp xếp, khu vực phía nam (từ Bình Thuận trở vào, bao gồm Lâm Đồng và Đắk Nông) từ 22 tỉnh, thành phố sáp nhập còn 9 tỉnh, thành phố. Tổng Bí thư cho biết điều này tạo nên không gian phát triển đa dạng cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa; phát huy tối đa hình thái không gian biển, liên thông rừng núi, đồng bằng, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhưng cũng giữ được bản sắc văn hóa.

Bên cạnh đó, mở rộng địa giới hành chính cũng giúp một số tỉnh có đủ điều kiện trở thành một thành phố trực thuộc trung ương, tạo nền tảng hình thành những trung tâm kinh tế lớn của đất nước.

Theo Tổng Bí thư, việc sáp nhập không chỉ đơn giản là 2 cộng 2 bằng 4 mà nhằm mang lại sự phát triển càng lớn hơn. Như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh trở thành 2 tỉnh có thế kiềng 3 chân vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng, giàu có.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lợi thế khi sáp nhập 22 tỉnh thành phía nam - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật lợi thế khi sáp nhập 22 tỉnh, thành phố khu vực phía nam

ẢNH: SỸ ĐÔNG

"Sức mạnh chắc chắn sẽ nhân lên nhiều lần. Người dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang mới sẽ thành người dân có biển, có núi rừng, Tây Ninh có cửa sông lớn nối ra biển. Vùng cao Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng sẽ thành người dân có biển. Tất cả những điều đó đều được tính toán rất kỹ lưỡng", Tổng Bí thư khẳng định.

Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý 5 yêu cầu khi sáp nhập tỉnh

Với TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá sau 50 năm đất nước thống nhất, TP.HCM đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, văn minh hơn.

Để thành phố rực rỡ tên vàng, Tổng Bí thư đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM cần nỗ lực nhiều hơn, quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa, cần đoàn kết cao hơn nữa, chủ động, sáng tạo hơn để phát triển cao hơn mức bình quân chung. TP.HCM luôn luôn là động lực tăng trưởng của cả nước, của khu vực, luôn luôn là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước. Không nơi nào có lợi thế hơn TP.HCM để làm những việc này.

"Khi mở rộng không gian, các địa phương sẽ bổ sung, hỗ trợ, liên kết cùng tiến bước. TP.HCM mở rộng không chỉ gồm TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay mà còn gắn bó sâu sắc hơn với Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang để tái thiết chiến lược phát triển vùng, tạo tổng thể mới vượt trội hơn", Tổng Bí thư phân tích.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lợi thế khi sáp nhập 22 tỉnh thành phía nam - Ảnh 3.

Tổng Bí thư Tô Lâm dìu Mẹ Việt Nam Anh hùng lên đứng hàng trước cùng chụp ảnh lưu niệm

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Thông qua việc mở rộng địa giới hành chính, TP.HCM mới sẽ là đầu tàu về nhiều mặt, là động lực lan tỏa cho sự phát triển mạnh mẽ của toàn vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây nguyên và Nam Trung bộ, đồng thời được bổ sung thêm nguồn lực từ các tỉnh thành phía nam về đất đai, lao động, nông nghiệp, du lịch, văn hóa...

Trao đổi với lãnh đạo các địa phương, Tổng Bí thư lưu ý quá trình sáp nhập tỉnh cần đảm bảo 5 yêu cầu.

Đầu tiên là phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, lựa chọn, bố trí cán bộ các địa phương; cán bộ phải dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung.

Thứ 2 là phải đồng bộ hóa không gian quy hoạch, phát triển, xây dựng hệ thống hạ tầng liên thông, hiện đại, tích hợp, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông, đô thị, công nghiệp không chỉ trong phạm vi đơn vị hành chính mới mà còn liên kết vùng.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lợi thế khi sáp nhập 22 tỉnh thành phía nam - Ảnh 4.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp hình lưu niệm với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Thứ 3 là thống nhất hệ thống pháp lý và thủ tục hành chính, xây dựng bộ quy chuẩn chung cho đơn vị hành chính mới trên cơ sở hài hòa, kế thừa, nâng cấp, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ 4 là quản lý đất đai và tài sản công một cách công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, đặc biệt lưu ý những khu vực có tiềm năng phát triển lớn, tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.

Thứ 5 là phải lắng nghe, giải thích, đối thoại, đồng hành với người dân, doanh nghiệp và các địa phương trong vùng, làm cho người dân hiểu đúng, tin tưởng, tự hào và tích cực tham gia quá trình cơ cấu lại các đơn vị hành chính.

Các tin khác

Tỷ phú Elon Musk lại nhận tin buồn

Sự sụt giảm mạnh về doanh số, lo ngại từ nhà đầu tư về hình ảnh thương hiệu và tác động từ chính trị đang phủ bóng lên tương lai của hãng xe điện Tesla.

Ngân hàng Lộc Phát ra mắt thương hiệu LPBank Priority và thẻ LPBank Visa Signature

Việc ra mắt thương hiệu LPBank Priority cùng dòng thẻ tín dụng quốc tế cao cấp LPBank Visa Signature là cột mốc quan trọng trong chiến lược kinh doanh của LPBank, hướng tới cung cấp các dịch vụ tài chính chuyên biệt, cá nhân hóa, tạo nên hệ sinh thái đặc quyền dành riêng cho từng nhóm khách hàng mục tiêu.

Stress có khiến nám da đậm hơn?

Khi ra ngoài tôi đội nón rộng vành, đeo khẩu trang, dùng kem chống nắng và thoa lại mỗi 3-4 tiếng nhưng vùng nám ở hai gò má ngày càng đậm màu, da xỉn hơn.

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

VietinBank tự hào được vinh danh “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” trong 5 năm liên tiếp, khẳng định vị thế tiên phong trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam. VietinBank không ngừng đổi mới và cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng doanh nghiệp.