Tài chính

Giai đoạn 2 vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan được giảm án còn 30 năm tù

Tóm tắt:
  • Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo xin giảm án tại vụ án Vạn Thịnh Phát.
  • HĐXX phúc thẩm tuyên bà Lan 30 năm tù, giảm so với án sơ thẩm.
  • Bà Lan bị tuyên các tội lừa đảo, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền qua biên giới.
  • Cấp phúc thẩm nhận xét hành vi của bà Lan tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng.
  • Dù giảm hình phạt ở giai đoạn 2, bà Lan vẫn chịu bản án tử hình tổng hợp từ giai đoạn 1.

Sáng nay (21/4), sau nhiều ngày xét xử và nghị án, HĐXX phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 .

Giai đoạn 2 vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan được giảm án còn 30 năm tù- Ảnh 1.

HĐXX phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Tân Châu.

HĐXX tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 20 năm tù cho tội danh “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 năm tù về tội “Rửa tiền” và 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù .

Giai đoạn 2 vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan được giảm án còn 30 năm tù- Ảnh 2.

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 2 vụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Tân Châu

HĐXX nhận định, bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên ngày 17/10/2024 là đúng người, đúng tội.

Hành vi của bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo trong vụ án thực hiện một cách tinh vi và phạm tội nhiều lần. Vụ án gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Các bị cáo phạm nhiều tội danh. Về cơ bản, cấp sơ thẩm đã xét xử, tranh tụng làm rõ sai phạm và tội danh của các bị cáo.

Bị cáo Trương Mỹ Lan với vai trò Chủ tịch HĐQT, chủ mưu vụ án. Sau khi được Nguyễn Phương Hồng (đã chết) trình phương án phát hành trái phiếu huy động vốn, bà Lan đã thống nhất chủ trương huy động vốn. Từ đây, bà Lan thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm.

Ở tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bà Trương Mỹ Lan là người chi phối, điều hành, chỉ đạo, quyết định mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các pháp nhân thuộc Tập đoàn.

Bà Lan trực tiếp đưa ra chủ trương, chỉ đạo phát hành trái phiếu doanh nghiệp, quyết định sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống (với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu); chạy dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho số trái phiếu phát hành, sau đó thông qua công ty chứng khoán bán trái phiếu cho hàng ngàn người dân (nhà đầu tư). Bà Lan thu tiền về sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, không đúng với mục đích phát hành trái phiếu, chiếm đoạt số tiền gần 31.000 tỷ đồng của 35.824 bị hại.

Theo HĐXX, tại phiên tòa phúc thẩm, bà Trương Mỹ Lan đã thành khẩn khai báo, mong muốn dùng nhiều tài sản để khắc phục hậu quả. Đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm cho rằng, bà Trương Mỹ Lan đã khắc phục được 8.000 tỷ đồng và dự kiến tiếp tục thu từ các tổ chức, cá nhân khác khoảng 15.000 tỷ đồng. Như vậy, bà Lan đã khắc phục được 1/4 số tiền phải bồi thường cho giai đoạn 2 của vụ án và đây là cơ sở để Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt trong tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bà Lan từ tù chung thân (bản án sơ thẩm tuyên), xuống mức án tù có thời hạn. Quan điểm này của Viện Kiểm sát, HĐXX chấp nhận.

Ở tội danh “Rửa tiền”, HĐXX nhận thấy, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo thuộc cấp chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền để che giấu, hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp số tiền 445.748 tỷ đồng do bà Lan phạm tội mà có vào các mục đích khác nhau.

Còn ở tội danh “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, từ năm 2012 đến 2022, mỗi khi cần sử dụng tiền chuyển đi nước ngoài để trả nợ và nhận tiền vay từ nước ngoài về, bà Lan giao cho cấp dưới lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài đều là các công ty ‘ma’ thuộc quản lý, điều hành của các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng SCB. Bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới 4,5 tỷ USD.

Tại phiên tòa phúc thẩm, với 2 tội “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bà Lan. HĐXX xét thấy đề nghị này của đại diện Viện Kiểm sát là có cơ sở.

Giai đoạn 2 vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan được giảm án còn 30 năm tù- Ảnh 3.

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Tân Châu

Ở giai đoạn 1 của vụ án , bà Trương Mỹ Lan bị TAND cấp cao tại TPHCM tuyên phạt 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ"; 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tử hình về tội “Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt chung bà Lan phải chấp hành là mức án tử hình.

Tại bản án phúc thẩm vừa tuyên, HĐXX cũng tổng hợp chung với bản án của giai đoạn 1. Vì vậy, dù được tuyên giảm án ở giai đoạn 2, bà Trương Mỹ Lan vẫn phải chấp hành hình phạt chung của 2 bản án là tử hình.

Các tin khác

Tỷ phú Elon Musk lại nhận tin buồn

Sự sụt giảm mạnh về doanh số, lo ngại từ nhà đầu tư về hình ảnh thương hiệu và tác động từ chính trị đang phủ bóng lên tương lai của hãng xe điện Tesla.

Ngân hàng Lộc Phát ra mắt thương hiệu LPBank Priority và thẻ LPBank Visa Signature

Việc ra mắt thương hiệu LPBank Priority cùng dòng thẻ tín dụng quốc tế cao cấp LPBank Visa Signature là cột mốc quan trọng trong chiến lược kinh doanh của LPBank, hướng tới cung cấp các dịch vụ tài chính chuyên biệt, cá nhân hóa, tạo nên hệ sinh thái đặc quyền dành riêng cho từng nhóm khách hàng mục tiêu.

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

VietinBank tự hào được vinh danh “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” trong 5 năm liên tiếp, khẳng định vị thế tiên phong trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam. VietinBank không ngừng đổi mới và cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng doanh nghiệp.

Vbee AIVoice - Công nghệ giọng nói Việt được vinh danh tại Giải thưởng Sao Khuê 2025

Ngày 19.4.2025, nền tảng chuyển văn bản thành giọng nói Vbee AIVoice đã chính thức được xướng tên tại Giải thưởng Sao Khuê - giải thưởng uy tín bậc nhất trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam. Sản phẩm được xếp hạng 5 sao trong nhóm "Chính phủ, Chính quyền và Dịch vụ công", đánh dấu một bước tiến quan trọng của công nghệ giọng nói ứng dụng trong chuyển đổi số khu vực công.

Cơ hội của chứng khoán Việt Nam trước bước ngoặt nâng hạng và hệ thống công nghệ mới

Tại hội thảo đầu tư mới đây với chủ đề “From Asia to Vietnam - Kết nối tầm nhìn châu Á, Tạo lập Kỷ nguyên Thịnh vượng”, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định tích cực về triển vọng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế đang chuẩn bị cho những thay đổi mang tính chiến lược. Đó là kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi và triển khai hệ thống giao dịch mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nhiều nội dung quan trọng, cấp bách

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 để bố trí ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, việc thực hiện các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với sắp xếp bộ máy, miễn giảm học phí, cùng nhiều nội dung quan trọng khác.