Thời sự

Toàn cảnh vụ án Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm

Sáng mai (20-9), TAND TP HCM sẽ đưa ra xét xử vụ án bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm gồm tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (cựu giảng viên Trường Đại học Luật TP HCM), Nguyễn Thị Mai Nhi (cựu trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (cựu nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (cựu Trưởng Phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là ông Bùi Đức Nam, thẩm phán dự khuyết là ông Nguyễn Tuấn Anh. Các hội thẩm nhân dân: ông Nguyễn Tùng, ông Nguyễn Đình Cương; hội thẩm nhân dân dự khuyết: bà Lê Thị Bích Dung. Thư ký phiên toà: ông Nguyễn Văn Thăng – cán bộ TAND TP HCNM.

Đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại phiên xử là ông Đinh Quốc Dũng, Nguyễn Quang Duyệt, Võ Thành Đủ.

Toàn cảnh vụ án Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng

Bà Nguyễn Phương Hằng có 1 luật sư bào chữa là ông Hồ Nguyên Lễ. Luật sư này đồng thời cũng là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cũng bào chữa cho 3 đồng phạm từng là nhân viên cấp dưới của bà Nguyễn Phương Hằng gồm Huỳnh Công Tân, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà.

Bào chữa cho ông Đặng Anh Quân là các luật sư Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Tri Thắng, Lê Thị Quỳnh Anh.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án được triệu tập đến toà gồm: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Trần Thị Thủy Tiên cùng chồng Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà, ông Huỳnh Uy Dũng, ông Nguyễn Đình Kim.

Trước đó, ngày 31-5, TAND TP HCM đã trả hồ sơ cho VKS cùng cấp để điều tra bổ sung vụ án. Trong đó, toà yêu cầu làm rõ vai trò của ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam; chồng bà Phương Hằng) có phải đồng phạm với bà Hằng không.

Theo cáo trạng truy tố bổ sung của VKSND TP HCM, bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm thông qua các tài khoản mạng xã hội, phát sóng trực tiếp (livestream) 57 buổi, có nội dung xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự nhiều cá nhân...

Đối với ông Huỳnh Uy Dũng, cáo trạng xác định trong 57 buổi livestream của bà Hằng, ông Dũng tham gia 1 buổi vào ngày 31-12-2021 (có nội dung xúc phạm theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Đức Hiển).

Nhưng video thu giữ thể hiện ông Dũng tham dự sau khi bà Hằng đã chấm dứt việc phát ngôn xúc phạm ông Hiển (đã giám định thời lượng phát ngôn của bị can Hằng xúc phạm ông Hiển có thời lượng gần 1 phút) và không có tài liệu để xác định trong buổi livestream ngày 31-12-2021 ông Dũng có phát ngôn xúc phạm ông Hiển.

Ngoài ra, hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm được thực hiện 26 lần tại nhà riêng; 12 lần tại Khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương); 2 lần tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Đại Nam (tỉnh Bình Dương), 7 lần trên ô tô và 1 lần tại Hà Nội.

Cơ quan điều tra xác định vì ông Huỳnh Uy Dũng là chồng của bà Hằng nên bà Hằng có quyền sử dụng các địa điểm, ô tô trên mà không phải thông qua ông Dũng.

Làm việc với các cá nhân có liên quan, công an xác định tại nhiều trận đua thú ở trường đua Đại Nam cũng đã có việc đặt tên người nổi tiếng, nhân vật hoạt hình, tên phim cho chó đua, ngựa đua như: Ronaldo, Messi, Nobita, Tây Du Ký…

Còn việc đặt tên cho thú đua vào ngày 19-3-2022 là do bà Hằng yêu cầu Lê Thị Thu Hà nhắn cho bị can Huỳnh Công Tân dẫn chương trình lấy tên nhiều cá nhân... đặt tên chó đua, ngựa đua. Khi buổi livestream diễn ra thì ông Dũng mới biết việc này.

Cơ quan điều tra xác định không đủ cơ sở để xử lý hình sự ông Huỳnh Uy Dũng với vai trò đồng phạm giúp sức cho bà Hằng trong các buổi livestream. Từ đó, VKSND TP HCM cho rằng CQĐT nêu quan điểm không khởi tố ông Dũng là có căn cứ.

Chánh Văn phòng TAND TP HCM ông Phạm Ngọc Duy cho biết đây là lần đầu tiên TAND TP HCM đưa ra xét xử hình sự hành vi "livestream" (phát trực tiếp) nói xấu người khác trên nền tảng mạng xã hội.

Phiên xử nhận được sự quan tâm từ đông đảo dư luận khi bị cáo Phương Hằng và nhiều người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan là người nổi tiếng, nghệ sĩ. Do đó, dự kiến phiên xử thu hút đông đảo người đến dự khán.

Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất tại trụ sở tòa án, đặc biệt để bảo đảm an ninh, trật tự của phiên xét xử, tòa án chỉ giải quyết cho những người được HĐXX triệu tập tham dự phiên xử và một số trường hợp dự khán khác.

Báo chí phải đăng ký trước từ ngày 19-9 để được bố trí khu vực tác nghiệp.

Người phát ngôn của toà án cũng lưu ý người dân hạn chế tụ tập trước trụ sở tòa án. Tòa án không phát sóng trực tiếp hoặc trình chiếu diễn biến phiên xử như những phiên xử từng gây chấn động dư luận trước đó.

Đối với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến toà có đơn kiến nghị xác định tư cách tham gia tố tụng của họ là bị hại của bà Nguyễn Phương Hằng, Chánh Văn phòng TÂND TP HCM cho biết những đơn này đã được chuyển đến HĐXX vụ án và sẽ được HĐXX xem xét, giải quyết tại phiên xử.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm