Theo ông David Brousell - Phó chủ tịch và Giám đốc Điều hành tại Hội đồng Lãnh đạo sản xuất của Mỹ (Manufacturing Leadership Council) tình hình chung của ngành công nghiệp sản xuất trong tương lai được định hình là một bộ máy công nghệ tiên tiến với tính hiệu quả cao, linh hoạt cùng khả năng mở rộng dễ dàng. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh này sẽ chỉ đến với doanh nghiệp nắm vững việc sử dụng các công nghệ tiên tiến và thích ứng tốt với mọi sự thay đổi.
"Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy quá trình biến đổi kỹ thuật số của ngành công nghiệp, đặc biệt là mô hình tự động hóa lấy phần mềm làm trung tâm, diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ", ông David Brousell nhận xét.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) công bố vào tháng 8/2020, 92% số doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số những chưa biết bắt đầu từ đâu và thực thi như thế nào.
Thực tế, ngành công nghiệp sản xuất và quy trình đang đối mặt với nhiều thách thức, từ việc bị gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng đến sự gián đoạn lớn trong hoạt động kinh doanh do đại dịch, mối quan tâm về phát triển bền vững gia tăng và lực lượng lao động đang thay đổi nhanh chóng. Bên cạnh đó, xu hướng lựa chọn làm việc linh hoạt về thời gian và không gian của mọi người ngày càng cao, dẫn tới yêu cầu về tương tác số gia tăng.
Để ứng phó với sự thay đổi của thời đại, tăng hiệu quả tương tác với thị trường, khách hàng và các khía cạnh trong vận hành doanh nghiệp, cách sản xuất, cung cấp hàng hóa và dịch vụ bắt buộc phải áp dụng công nghệ thông tin. Theo đó, với những công việc hàng ngày lặp đi lặp lại thường có rủi ro sai sót cao, đang dần được tự động hóa để đảm bảo chất lượng.
Chuyển đổi số không chỉ là việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số để cải thiện cách thức làm việc hiện tại mà còn phải thay đổi mô hình và hoạt động kinh doanh. Điều đó ảnh hưởng đến mọi thứ trong một tổ chức, từ con người và văn hóa đến các quy trình và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Các công ty trải qua chuyển đổi số toàn diện sẽ được định vị tốt để phát triển thịnh vượng trong các ngành công nghiệp của tương lai.
Theo nghiên cứu được LNS Research công bố vào tháng 8/2023, 50% các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp toàn cầu báo cáo đã bắt đầu hành trình chuyển đổi số và những chương trình này đang mang lại lợi ích thực tế. Trong đó, doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số có đến 72% khả năng tăng hơn 10% doanh thu và 57% khả năng giảm hơn 10% giá vốn hàng bán (COGS) nhờ vào những sáng kiến này. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cũng là yếu tố quan trọng. Đây sẽ là công cụ biến điều vô hình trở nên hữu hình, để doanh nghiệp đánh giá tính hiệu quả và loại bỏ những hạng mục không cần thiết khi vận hành.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, Schneider Electric - một trong những tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về chuyển đổi số quản lý năng lượng và tự động hóa cung cấp nền tảng EcoStruxure kết nối hoạt động từ quy trình sản xuất đến công tác quản lý, thu thập và phân tích dữ liệu để đo lường hiệu quả vận hành. Nền tảng của Schneider Electric được thiết kế đặc biệt để cải thiện năng suất, hiệu quả và giúp các công ty thúc đẩy tăng trưởng mà không phải hy sinh tính bền vững. Song doanh nghiệp cũng cần chú trọng vào yếu tố an toàn bảo mật thông tin (cybersecurity) để đảm bảo có thể liên tục xác định, đánh giá và giảm thiểu các rủi ro của doanh nghiệp trong tương lai.
Ông Đồng Mai Lâm - Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia cho biết tập đoàn đã tiên phong số hóa các chương trình quản lý năng lượng và tự động hóa trên hơn 100 quốc gia, cam kết đồng hành cùng chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp phù hợp để thúc đẩy mục tiêu phát triển dài hạn một cách bền vững.
"Đối với từng lĩnh vực chiến lược, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các giải pháp sáng tạo, đột phá nhằm hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia có thể tăng tốc trên quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa", ông Lâm nhấn mạnh.
(Nguồn: Schneider Electric)