Theo ghi chép tại cuộc gặp doanh nghiệp của CTCP Chứng khoán Rồng Việt, Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) cho biết tình hình tăng trưởng tín dụng đã cải thiện đạt 7% tại thời điểm cuối tháng 8, kỳ vọng mỗi tháng tăng thêm 1-1,5% được dẫn dắt tăng trưởng bởi tất cả các khối.
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã đạt 4,6% so với đầu năm và đến cuối tháng 7 đạt khoảng 5,4%, theo ghi nhận của Chứng khoán SSI.
Trong báo cáo phân tích mới đây, các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng mức phục hồi này được dẫn dắt bởi nhóm khách hàng doanh nghiệp, với mức tăng trưởng 10,8% so với đầu năm trong khi nhóm khách hàng cá nhân có mức tăng trưởng hạn chế hơn là 4,3% so với đầu năm. Các khoản cho vay mua nhà cũng tăng 2,6% so với đầu năm lên 83.600 tỷ đồng.
Với hạn mức tín dụng cho năm nay là 14,5% được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt gần đây, ACB có thể sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty xuất nhập khẩu và công ty sản xuất bằng cách áp dụng mức lãi suất cho vay hấp dẫn hơn kèm các gói dịch vụ khác, điều này giúp ACB duy trì tỷ lệ CASA (tỷ lệ CASA quý II là 21%) trong nửa cuối năm 2023 và cải thiện doanh thu từ phí.
Cụ thể, tỷ lệ CASA doanh nghiệp cải thiện 10% so với quý trước đạt 33.800 tỷ đồng trong khi CASA bán lẻ phục hồi với tốc độ chậm hơn là 3,6% so với quý I, đạt 56.400 tỷ đồng
Cũng trong nửa đầu năm, tăng trưởng lãi thuần từ phí của ngân hàng giảm 19% so với cùng kỳ do thu nhập từ bancassurance giảm (giảm 30,5%) nhưng các nguồn doanh thu khác như kinh doanh ngoại hối (tăng 126%) và lợi nhuận kinh doanh chứng khoán tăng mạnh. Phí dịch vụ thẻ cũng tăng hơn 68% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng kỳ vọng hoạt động bancassurance và thanh toán quốc tế lấy lại quỹ đạo tăng trưởng khi đã có thể chạm đáy vào nửa đầu năm.
VDSC nhận định thu nhập từ mảng chứng khoán (G-Bond) đã được ngân hàng tận dụng nửa đầu năm khi lợi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu, tuy nhiên nửa sau 2023 thu nhập từ mảng này có thể giảm dần vì lợi suất không còn hấp dẫn.
Cả VDSC và SSI đều dự báo NIM của ACB sẽ thu hẹp trong năm 2023.NIM của ngân hàng đã giảm xuống mức 4,19% trong quý II/2023 (giảm 6 điểm cơ bản so với quý trước), các chuyên gia SSI cho rằngNIM có thể giảm nhẹ trong quý II/2023 trước khi ổn định trong quý IV/2023, đồng thời ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 20.000 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ).
Tốc độ xử lý nợ xấu chậm lại
Về chất lượng tài sản, theo VDSC, nợ xấu hình thành ghi nhận sự chậm lại và được kiểm soát duy trì tương đối so với thời điểm cuối quý II. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 của ngân hàng đạt 1.700 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ. Hiện tại ACB đã trích lập dự phòng 50%.
Nợ xấu kéo theo (CIC) có xu hướng tăng nhanh trong năm 2023 (500 - 600 tỷ), so với mức (200 - 300 tỷ) của các năm trước. So sự ảnh hưởng của nợ kéo theo, chi phí dự phòng cả năm 2023 dự kiến là trên 1.000 tỷ đồng, đồng nghĩa mức trích lập cho nửa cuối năm sẽ thấp hơn nửa đầu năm.
Các chuyên gia phân tích cho rằng tốc độ xử lý và thu hồi nợ tại ACB dự kiến sẽ chậm lại so với các năm trước do sự trầm lắng của thị trường bất động sản (BĐS). Mặc dù vậy, phần lớn tài sản thế chấp tại ACB là BĐS ở khu vực dân cư đông đúc nên khả năng thanh lý khi thị trường BĐS hồi phục là rất cao.
Tỷ lệ nợ xấu được ACB kỳ vọng sẽ kiểm soát quanh mức hiện tại, tốc độ nợ xấu tăng chậm lại, tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 12% - 14% trong năm 2023.
"Trái với các năm trước luôn vượt kế hoạch lợi nhuận 10 – 20%, năm 2023 khả năng chỉ hoàn thành kế hoạch", báo cáo VDSC viết.