Thời sự

Xu hướng "chuyển sản xuất sang nước bạn" của Mỹ hứa hẹn đem lại lợi ích cho Việt Nam

Tàu chở hàng bên ngoài kênh đào Panama. (Ảnh: Bloomberg). 

Trong vài năm qua, hoạt động giao thương toàn cầu liên tục gặp phải những tai ương, từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch COVID-19 và sự gián đoạn mà nó gây ra cho chuỗi cung ứng, đến cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và các đòn trừng phạt cũng như trả đũa qua lại giữa Moscow và phương Tây.

Tác động tổng hợp của những sự kiện trên đã làm dấy lên sự ngờ vực về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu hóa. Một số quan chức Mỹ đã cổ vũ cho xu hướng “friend-shoring” - chuyển sản xuất về các nước thân thiện với Washington.

Theo chính sách này, các chuỗi cung ứng quan trọng với Mỹ sẽ trở nên chắc chắn hơn và khó có thể bị nước khác đe doạ, tờ Bloomberg cho biết. 

1. Friend-shoring là gì?

Friend-shoring khuyến khích doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi những nước mà Mỹ coi là đối thủ và chuyển sang các quốc gia đồng minh. Mục tiêu của Washington là ngăn những nước như Nga và Trung Quốc lợi dụng lợi thế thị trường trong các vật liệu và sản phẩm quan trọng (như đất hiếm và năng lượng) để gây gián đoạn cho nền kinh tế Mỹ.

Friend-shoring có thể được coi là phiên bản bớt cực đoan hơn của “reshoring” - đưa hoạt động sản xuất thiết yếu quay về chính quốc gia đó.

2. Cho đến nay Mỹ đã làm gì?

Từ thời Tổng thống Donald Trump cho đến nay, Mỹ đã kêu gọi giới doanh nghiệp chuyển ít nhất một số chuỗi cung ứng phần cứng ra khỏi Trung Quốc.

Các công ty lắp ráp thiết bị lớn đã thiết lập cơ sở sản xuất mới hoặc mở rộng sang những nước châu Á khác, hoặc hướng sang Đông Âu và Mexico theo mô hình “Trung Quốc+1”.

3. Doanh nghiệp có hưởng ứng friend-shoring không?

Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời. Apple đã bắt đầu sản xuất một số mẫu iPhone 14 ở Ấn Độ. Foxconn, nhà cung cấp lớn nhất của “Táo khuyết”, cũng đồng ý mở rộng các cơ sở sản xuất ở Việt Nam.

Nhưng hồi tháng 9 năm ngoái, Bloomberg Intelligence ước tính rằng Apple sẽ cần đến khoảng 8 năm để chuyển 10% năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nơi sản xuất khoảng 98% số iPhone của ông lớn này.

Và theo báo cáo tháng 10/2022 của Allianz Group, Mỹ vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc đối với 276 loại hàng hóa quan trọng, như một số mặt hàng điện tử, dệt may, hóa chất và kim loại.

4. Ai được hưởng từ friend-shoring?

Trong chuyến công du hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhấn mạnh rằng Ấn Độ có tiềm năng để trở thành trung tâm sản xuất quan trọng.

Gần đây, Tổng thống Biden đã tới Việt Nam và công bố loạt thỏa thuận về hàng không, chip bán dẫn và cơ sở hạ tầng, đánh dấu “giai đoạn mới” trong mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Brazil và các quốc gia châu Âu cũng có thể được hưởng lợi khi vốn đầu tư, nhà máy và việc làm hướng sang những nước mà Mỹ coi là đủ tin cậy.

Đa dạng hóa các khu vực địa lý của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ giúp doanh nghiệp trở nên kiên cường hơn trước những cú sốc bên ngoài như xung đột vũ trang, nạn đói, thay đổi chính trị hoặc dịch bệnh.

5. Nước nào sẽ chịu thiệt?

Mỹ chủ yếu nhắm vào các nền kinh tế mà nước này coi là đang hỗ trợ một cách không công bằng cho lĩnh vực công nghiệp nội địa như Trung Quốc và các quốc gia vi phạm các chuẩn mực quốc tế như Nga, theo Bloomberg.

Ngay cả những nước không thuộc hai nhóm trên cũng có thể phải chịu tác động từ nỗ lực thúc đẩy friend-shoring trên diện rộng.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính rằng sự chia rẽ của nền kinh tế toàn cầu thành các khối riêng biệt có thể khiến GDP thế giới sụt giảm khoảng 5% trong dài hạn. Điều này sẽ khiến Trái đất nghèo hơn và năng suất thấp hơn đáng kể, thương mại quay trở lại mức trước khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001.

 

6. Chuyện gì sẽ xảy ra với toàn cầu hóa?

Các loại thuế quan do Mỹ và Trung Quốc áp đặt lên hàng hoá của nước còn lại trong nhiệm kỳ của ông Trump vẫn đang được giữ nguyên.

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine - và việc Bắc Kinh bị cho là đứng về phía Moscow - đã phá hoại thành tựu của quá trình toàn cầu hóa thương mại diễn ra trong hàng chục năm. Các lệnh trừng phạt mà Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu áp đặt lên Nga cũng gây ra tác động tương tự.

Chính quyền ông Biden đã tăng cường hạn chế hoạt động xuất khẩu của các công ty chip sang Trung Quốc. Cả Mỹ và Trung Quốc đã thành lập các liên minh thương mại mới loại trừ lẫn nhau.

Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc đứng đầu, có hiệu lực từ đầu năm 2022, hiện là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Mỹ đang thành lập quan hệ đối tác khu vực của riêng mình có tên là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).

Những thỏa thuận này bổ sung cho Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được tiến hành sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm