Xã hội

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ: Một số mặt hàng sẽ không phải chịu thuế đối ứng

Tóm tắt:
  • Một số mặt hàng tại Việt Nam sẽ không phải chịu thuế đối ứng như nhựa, hóa chất, gỗ, và thiết bị điện.
  • Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp dụng mức thuế 10% với các đối tác thương mại từ ngày 5/4.
  • Nếu hàng Việt Nam có nguyên liệu từ Mỹ trên 20%, chỉ chịu thuế 46% phần không phải từ Mỹ.
  • Thuế đối ứng có thể gây khó khăn cho hợp đồng dài hạn và chuỗi cung ứng toàn cầu.
  • Việt Nam cần triển khai các giải pháp hợp tác và hỗ trợ doanh nghiệp để ứng phó với tình hình thuế mới.

Sáng 4/4, tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3, ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã có những cập nhật mới xung quanh việc Mỹ công bố thuế đối ứng với Việt Nam.

Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh là hành pháp áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả các đối tác thương mại áp dụng từ ngày 5/4 và sẽ áp dụng các mức thuế đối ứng riêng lẻ với hơn 50 quốc gia có thương mại lớn với Mỹ từ ngày 9/4 như Trung Quốc 34%, Liên minh châu Âu (EU) 20%, Hàn Quốc 25%, Nhật Bản 24%, Ấn Độ 26%, Việt Nam 46%.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Tuy vậy, một số mặt hàng sẽ không phải chịu thuế đối ứng như các mặt hàng theo mục; các mặt hàng như thép nhôm và ô tô, phụ tùng ô tô đã chịu thuế thêm mục 232 (25%).

Bên cạnh đó, các mặt hàng đồng dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ; các mặt hàng có thể chịu thuế thêm mục 232 trong tương lai; vàng thỏi; năng lượng và một số khoáng sản không có sẵn tại Mỹ cũng không nằm trong danh mục chịu thuế đối ứng.

Ông Hưng cũng liệt kê thêm các nhóm hàng hóa không phải chịu thuế đối ứng, gồm: Nhựa và các sản phẩm nhựa; hóa chất; gỗ và các mặt hàng gỗ; đồng và các sản phẩm đồng; thép, máy điện, và thiết bị điện.

“Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần phải nghiên cứu cụ thể các chi tiết nội dung để liên quan đến nắm, cũng như có kế hoạch ứng phó”, ông Hưng nêu rõ.

Điểm đáng lưu ý, nếu các mặt hàng Việt Nam chứng minh được rằng là có nguồn gốc nguyên liệu hoặc có các yếu tố từ Mỹ trên 20%, thì chỉ chịu thuế đối ứng 46% trên phần không phải là từ Mỹ.

“Quy định này là sẽ khuyến khích mua các nguyên liệu có xuất xứ từ Mỹ. Tuy nhiên, công thức này được cho rằng khó tính toán khi nhiều các cái chỉ số, thông số kỹ thuật phức tạp”, ông nhìn nhận.

Khó khăn duy trì các hợp đồng dài hạn  

Về tác động, ông Hưng cho rằng, thuế đối ứng có thể gây ra rất là khó khăn cho việc duy trì các hợp đồng dài hạn và chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định. Tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu Mỹ có thể chuyển hướng sang các quốc gia không có hoặc là mức thuế đối ứng thấp hơn, dẫn đến số giảm nghiêm trọng khối lượng và kinh ngạch xuất khẩu tại thị trường trọng điểm này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng có thể phải đối mặt các thủ tục hành chính phức tạp và chi phí vận chuyển cao khi do thuế suất tăng. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể gặp khó khăn lớn trong việc duy trì sản xuất và xuất khẩu gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người lao động.

“Trên thực tế, các doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm các thị trường khác thay thế, song chắc chắn phải đối mặt với những thách thức to lớn về công sức cũng như thời gian phát triển và xây dựng thị trường mới”, ông Hưng quan ngại.

Với tình hình ngày càng khó đoán định về thay đổi chính sách của Mỹ, ông Hưng đã đưa ra một số đề xuất để chủ động tránh các cú sốc đối với nền kinh tế Việt Nam và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nhất là các hoạt động xuất khẩu.

Thứ nhất, khẳng định là Chính phủ và cơ quan chức năng của Việt Nam đang khẩn trương triển khai nhiều đối sách giải pháp tích cực để tháo gỡ. Vì vậy, cơ quan truyền thông đưa tin tránh gây những hoang mang lo lắng cho các nhà đầu tư doanh nghiệp, đặc biệt khi nhiều đối tác nước ngoài hiện nay đang có kế hoạch tiếp tục sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.

Các tổ chức mà Thương vụ tham vấn như là Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội Dệt may và Giày dép Mỹ, Hiệp hội Phân phối và bán lẻ giầy dép tại Mỹ, Hiệp hội về Hàng Máy Mặt tại Mỹ cho biết các doanh nghiệp thành viên cam kết sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tại Việt Nam nhưng sẽ quan sát chặt chẽ các động thái về chính sách.

"Chênh lệch thuế tạm thời có thể là không đảm bảo bù cho các chi phí phát sinh nếu mà chuyển sang một quốc gia khác", ông Hưng thông tin. 

Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác thỏa thuận song phương với Mỹ như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA), và xem xét nâng cấp một số các cơ chế phù hợp, chuẩn bị xây dựng các phương án trên cơ sở diễn biến chính sách để chủ động xử lý các vấn đề phát sinh.

Thứ ba, tiếp tục đề xuất hoãn việc tăng thuế nhập khẩu một số các sản phẩm thế mạnh của Mỹ phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Qua đó là truyền tải được thông điệp tích cực minh chứng cho việc sẵn sàng điều chỉnh các cân thương mại theo hướng cân bằng, hài hòa và cùng có lợi.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, ông Hưng cho rằng cần thông qua hệ thống đối tác tăng cường mở rộng, vận động tập hợp tiếng nói ủng hộ Việt Nam. Đặc biệt, chính sách thuế sẽ tác động đáng kể đến đời sống và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ và gia tăng áp lực đáng kể đối với chính quyền đương nhiệm. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng thời gian từ nay đến 9/4 để nhanh chóng việc hoàn tất xuất các lô hàng, tránh các mức thuế có thể áp lên Việt Nam 

Các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp xem xét khả năng đàm phán với các nhà nhập khẩu để chia sẻ gánh nặng đối với thuế đối ứng, hỗ trợ do doanh nghiệp nằm duy trì thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn này

Theo ông Hưng, tại thời điểm hiện nay, một số các nhà nhập khẩu đã yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam chuyển giá từ giá FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán) sang giá DDP (tổng các chi phí các bên thỏa thuận trong hợp đồng). Việc này đã chuyển rủi ro này cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. 

"Do vậy, Chính phủ, các địa phương cũng như nhà ngân hàng tiếp tục nghiên cứu xem xét để có các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời phù hợp", ông Hưng kiến nghị.

Các tin khác

Lê Cao Quỳnh Thư: Nữ doanh nhân tài năng, thông minh và hành trình xây dựng thương hiệu đầy ấn tượng

Chị Lê Cao Quỳnh Thư, một người con xứ Huế, đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong ngành kinh doanh suốt hơn hai thập kỷ qua. Với vai trò là Chủ tịch và Tổng Giám đốc của nhiều công ty thành công, trong đó nổi bật là Công ty Ánh Sáng Hoàng Gia Phát, chị không chỉ xây dựng một đế chế kinh doanh vững mạnh mà còn luôn hướng đến những giá trị nhân văn trong các dự án cộng đồng.