
Ngày 2/4, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố danh sách áp thuế đối ứng với 60 nước, trong đó mức thuế với Việt Nam là 46%, có hiệu lực ngày 9/4. Thông báo này đã gây ra sự xáo trộn đáng kể trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Những chính sách thuế quan liên tục được đưa ra, dù nằm trong ưu tiên chính sách nhất quán từ nhiệm kỳ "Trump-1" đến "Trump-2", nhưng lộ trình, thời gian thực hiện, quy mô bao trùm và mức thuế xuất áp dụng quá lớn đã khiến nhiều người đặt câu hỏi:
Liệu đây chỉ đơn thuần là giải pháp xử lý thâm hụt thương mại của Mỹ hay sẽ tạo rủi ro đổ vỡ hệ thống thương mại toàn cầu (make it or break it)?
Kinh tế Mỹ hiện tại đang phải đối mặt với những thách thức tương tự thời kỳ khủng hoảng dưới thời Tổng thống Reagan (1981–1989) gồm: Lạm phát cao (14,8%), thất nghiệp (10,8%), thâm hụt ngân sách (6,3% GDP) và thâm hụt thương mại (3% GDP).
Trong bối cảnh này, ông Reagan đã đưa ra chính sách kinh tế "Reaganomics" với trọng tâm cải cách thể chế, cắt giảm thuế, chi tiêu và thắt chặt cung tiền, tạo tiền đề cho sự phục hồi kinh tế bền vững. Dưới thời Reagan, phải mất gần một thập kỷ để chính sách 'Reaganomics' giúp nước Mỹ vượt qua khủng hoảng và tạo nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ vào thập niên 1990.
Chính quyền Tổng thống Trump hiện đang đối mặt với những thách thức kinh tế tương tự, đã tích tụ qua nhiều năm nhưng lại đặt kỳ vọng vào các liệu pháp sốc thuế quan để giải quyết những vấn đề này chỉ trong vài ngày.
Ông Trump hy vọng sử dụng công cụ thuế như một phần của chính sách "Ngày Giải Phóng", phục vụ nhiều mục đích:
(1) Giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài và thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước;
(2) Giảm thâm hụt thương mại (các mức thuế nhắm vào các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, nhằm giải quyết sự mất cân bằng thương mại);
(3) Tăng nguồn thu ngân sách. Việc đánh thuế cao sẽ tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách Mỹ, ước tính lên tới 6.000 tỷ USD, có thể bù đắp cho việc giảm thuế và tài trợ cho các chi tiêu của chính phủ.
(4) Đòn bẩy đàm phán: Bằng cách áp dụng các mức thuế đối ứng, Mỹ gây áp lực để các quốc gia
- TIN LIÊN QUAN
-
Ông Trump nêu điều kiện giảm thuế quan đối ứng 04/04/2025 - 07:20
khác giảm rào cản thương mại, có thể dẫn đến các thỏa thuận thương mại có lợi hơn;
(5) Hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước: Các mức thuế được thiết kế để bảo vệ và thúc đẩy các ngành công nghiệp Mỹ như thép, nhôm và chất bán dẫn bằng cách giảm sự cạnh tranh từ nước ngoài.
Với tham vọng như vậy, đã có sự khác biệt rõ rệt về cách tiếp cận, thời gian triển khai và mức thuế suất giữa Trump-1 và Trump-2 và làm dấy lên lo ngại về những rủi ro tiềm tàng đối với hệ thống thương mại và kinh tế toàn cầu.
Trước áp lực nặng nề từ các chính sách thuế quan sốc này, Việt Nam cần khẩn trương đưa ra các giải pháp toàn diện để ứng phó hiệu quả.
Thứ nhất, cần đẩy mạnh kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp đối phó tác động thuế quan. Khẩn trương triển khai gói kích cầu mới để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.
Ngoài giảm thuế VAT, đặc biệt, ưu tiên các chính sách cắt giảm thuế, thay vì chỉ gia hạn, nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của thuế đối với doanh nghiệp. Với tỷ lệ nợ công dưới 40% GDP, dư địa tài khóa vẫn khả quan.
Năm 2024, đầu tư công dự kiến khoảng 30 tỷ USD, trong khi ngân sách giảm do gia hạn và giảm thuế (tính cả giảm thuế VAT), ước tính chỉ đạt dưới 8 tỷ USD.
Cắt giảm thuế và phí không chỉ có ít rào cản thủ tục hành chính hơn giải ngân đầu tư công mà còn mang lại hiệu ứng trực tiếp và nhanh chóng đối với doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ngoài ra các khoản vay được nhà nước bảo lãnh cho các doanh nghiệp cũng cần được cân nhắc. Các biện pháp này cũng tương tự như cách mà các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi thuế quan đã áp dụng.
Trung Quốc đã triển khai các gói kích thích tài chính để đối phó với sự suy giảm kinh tế do tác động của thuế quan. Những biện pháp này bao gồm việc hỗ trợ các ngành công nghiệp tập trung vào xuất khẩu.
Các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đang chuẩn bị các chính sách tài chính và tiền tệ ưu đãi nhằm đối phó với tình hình, đồng thời bảo vệ nền kinh tế của họ trước tác động của thuế quan mới của Mỹ.
Nhật Bản đã nhanh chóng hành động bằng cách cung cấp các khoản vay được bảo lãnh bởi nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
Thứ hai, đàm phán toàn diện. Việt Nam không nên đàm phán với Mỹ theo từng lĩnh vực, vì Mỹ đã áp thuế toàn diện để tránh việc phải quản lý hàng trăm lĩnh vực cùng lúc. Mỹ chú trọng tổng mức rào cản thương mại hơn là mức thuế của từng ngành.
Do đó, trong đàm phán, Việt Nam cần nhấn mạnh chương trình cải cách kinh tế tổng thể, bao gồm cải cách thể chế, chuyển đổi sang kinh tế thị trường và tăng cường vai trò của kinh tế tư nhân.
Những cải cách này sẽ giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Mỹ vào Việt Nam, thúc đẩy tiêu thụ nội địa, tăng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, và từ đó giảm thặng dư thương mại. Ưu tiên đàm phán với Mỹ về lộ trình áp thuế hơn là giảm thuế cho từng lĩnh vực, giúp Việt Nam có thời gian chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thuế quan mới. Tác động đáng ngại nhất từ chính sách thuế mới của Tổng thống Trump đối với Việt Nam là nguy cơ dòng vốn FDI chuyển dịch sang các quốc gia đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Thái Lan - những nước chịu mức thuế thấp hơn.
Mặc dù, Việt Nam có thể mất đi lợi thế quan trọng trong việc tiếp cận thị trường Mỹ, điều cần thiết là phải nhanh chóng duy trì và phát triển các yếu tố hấp dẫn khác đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Các yếu tố này bao gồm việc duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ để tạo ra một thị trường 100 triệu dân với thu nhập cao hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, xây dựng lực lượng lao động có năng lực cao, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thông qua việc cắt giảm sâu các thủ tục hành chính rườm rà, và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, logistics nhằm giảm chi phí sản xuất.
Đồng thời, cần mở rộng cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bài học từ Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ cho thấy rằng, bất chấp hàng rào thuế quan cao, các công ty nước ngoài vẫn bị thu hút bởi một thị trường lớn, thu nhập cao, và chi phí thấp.
Phần lớn các doanh nghiệp chỉ chuyển một phần cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, trong khi vẫn giữ phần lớn sản xuất chính tại đây. Việt Nam có thể học hỏi từ chiến lược này để giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế mới trong trung và dài hạn.
Thứ tư, đẩy mạnh thương mại nội khối ASEAN. Điều đáng chú ý là trong nhiều năm, thương mại nội khối ASEAN chỉ duy trì ở mức dưới 25% tổng kim ngạch thương mại, trong khi thương mại nội khối của Châu Á cũng không vượt quá 60% tổng kim ngach thương mại.
Vì vậy, việc thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại như CPTPP, RCEP và EVFTA không chỉ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN, tăng cường liên kết kinh tế trong khu vực châu Á, và kết nối mạnh mẽ hơn với châu Âu.
Điều này mang ý nghĩa sống còn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam cần đối phó với áp lực từ các chính sách thuế quan của Mỹ và duy trì sự ổn định kinh tế.
Tóm lại, trong khi chính sách thuế quan khắt khe từ Mỹ đặt ra những áp lực lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng nó cũng mở ra cơ hội để thực hiện các bước chuyển đổi mạnh mẽ. Bằng cách tận dụng thách thức này, Việt Nam có thể tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế lâu dài.
Với cải cách thể chế sâu rộng, phát triển khu vực kinh tế tư nhân làm đông lực chuyển đổi sang cơ chế thị trường, phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, thúc đẩy áp dụng công nghệ và xây dựng lực lượng lao động tay nghề cao, Việt Nam không chỉ đảm bảo sự ổn định kinh tế mà còn nâng cao vị thế cạnh tranh, vượt qua những biến động khó lường từ chính sách thương mại của Mỹ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Cường