Theo ThS.BS Lưu Phương Lan, khoa Phẫu thuật Tạo hình - Vi phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da đầu bị bóc hoàn toàn, phần xương sọ lộ ra trên diện rộng. Mảng da đầu đứt rời không còn nguyên vẹn, không thể sử dụng để ghép lại.
Trong những trường hợp như vậy, phương án tối ưu nhất là vi phẫu nối mạch máu để ghép lại phần da đầu. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ khả thi khi phần da đứt rời được bảo quản đúng cách và mang đến kịp thời. Trong ca này, các bác sĩ buộc phải sử dụng phương pháp tái tạo bằng vạt da từ chính cơ thể bệnh nhân.

Nhân viên y tế xử lý tổn thương cho người bệnh. (Ảnh: BVCC)
Một vạt da lớn, kích thước 10x41 cm, được lấy từ vùng lưng - nơi có khả năng chịu lực tốt khi bệnh nhân nằm - và xoay 180 độ để che phủ vùng xương chẩm bị lộ. Ngoài ra, các bác sĩ còn lấy da mỏng từ hai bên đùi để ghép bổ sung vào những khu vực còn thiếu.
Ca phẫu thuật gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong việc cố định vạt da và duy trì tư thế nằm phù hợp, tránh gây áp lực lên vùng mới được tái tạo. May mắn, ca ghép thành công. Bệnh nhân hiện tỉnh táo, có thể ngồi dậy và đi lại được.
Đây là lời cảnh báo về nguy cơ mất an toàn lao động, đặc biệt với lao động nữ trong môi trường có máy móc chuyển động. Người lao động cần tuân thủ nghiêm túc các biện pháp bảo hộ như đội mũ bảo hộ, buộc gọn tóc khi làm việc.
Trong trường hợp tai nạn xảy ra khiến bộ phận cơ thể bị đứt rời, cần sơ cứu đúng cách. Theo đó, rửa nhẹ bằng nước sạch, bọc phần đứt rời trong gạc hoặc vải ẩm, sau đó đặt trong túi hoặc hộp chứa nước đá lạnh (nhiệt độ lý tưởng 4-5 độ C), tránh tiếp xúc trực tiếp với đá. Việc bảo quản đúng giúp tăng khả năng nối lại thành công khi đưa đến bệnh viện.