VN-Index mở cửa phiên 4/4 tại 1.159 điểm, giảm khoảng 71 điểm tương đương 5,8% so với tham chiếu. Chỉ số đại diện thị trường chứng khoán đã về vùng thấp nhất kể từ tháng 1/2024, tức hơn một năm. Đến 9h26, VN-Index vẫn giằng co quanh 1.160 điểm.

Diễn biến VN-Index từ 2024 đến 9h45 phiên 4/4. (Biểu đồ: TradingView).
Sàn HOSE ghi nhận sắc đỏ chủ đạo, với 429 mã giảm (192 mã sàn), trong khi chỉ có 17 mã tăng và 13 mã đi ngang.
Diễn biến tại HNX tương tự, khi chỉ số giảm 14 điểm về 207 điểm. UPCoM-Index cũng lao dốc 3 điểm về 87 điểm.
Rổ VN30 có 29 mã giảm, trừ SSB. Đa phần các mã đều lao dốc, trong đó 13 mã sàn.
Tổng quan, giống phiên trước, xu hướng giảm đang quét qua tất cả nhóm ngành, khi các mã đều chủ yếu giao dịch ở mức giảm sâu.
Về thanh khoản, sau 30 phút đầu phiên, HOSE có giá trị khớp lệnh gần 10.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 477 triệu đơn vị. HNX và UPCoM ghi nhận giá trị giao dịch lần lượt 630 tỷ đồng và 200 tỷ đồng. Tổng giá trị khớp lệnh cả HOSE, HNX và UPCoM đang đạt gần 10.700 tỷ đồng
Về khối ngoại, họ tiếp tục mạnh tay bán ròng, chủ yếu trên HOSE với giá trị gần 1.200 tỷ đồng. Khối này tập trung xả FPT (-278 tỷ đồng), MBB (-226 tỷ đồng), ACB (-133 tỷ đồng). Ngoài ra các mã TPB, HPG, TCB, SSI, SAB, HCM, VPB, VCB bị bán vói quy mô từ 30 -100 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại mua ròng nhiều nhất tại SHB (60 tỷ đồng), VIC (37 tỷ đồng) hay KDH (20 tỷ đồng).
Xu hướng lao dốc của thị trường đến từ tâm lý bi quan của nhà đầu tư sau công bố áp thuế đối ứng của Mỹ, trong đó Việt Nam có mức thuế 46%, thuộc nhóm cao nhất.
Theo phân tích của SHS, nếu kịch bản xấu xảy ra, VN-Index có thể giảm 15% - 20% so với đỉnh 1.342 điểm trước khi ổn định (tức giảm 201 - 268 điểm, về 1.074 – 1.141 điểm). Nếu thị trường diễn biến tốt hơn, mức điều chỉnh có thể chỉ quanh 10%.
Rủi ro đến từ việc sử dụng margin cao, có thể khiến thị trường giảm mạnh hơn dự kiến. Nhà đầu tư không cần quá lo lắng. Chính sách thương mại có thể thay đổi nhanh chóng, và việc quan trọng là lựa chọn đúng doanh nghiệp.