
Theo nghiên cứu của Nikkei, Trung Quốc đã đóng băng các đơn hàng mua đậu nành và ngô của Mỹ kể từ giữa tháng 1. Động thái của Bắc Kinh dường như nhằm giáng một đòn vào nông dân Mỹ và các nhóm khác ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã tăng thuế nhập khẩu với Trung Quốc và nhiều đối tác thương mại khác.
Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy kể từ ngày 16/1, tức vài ngày trước khi ông Trump nhậm chức, các công ty Trung Quốc không thực hiện thêm bất kỳ đơn đặt hàng nào đối với đậu nành và ngô của Mỹ. Một số hợp đồng không nêu rõ điểm đến, nhưng có nhiều đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp Trung Quốc mỗi tháng cho đến tháng 12.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, ông Trump đã cam kết áp thuế 60% đối với tất cả các sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Cho đến tháng 4 năm nay, chính quyền ông Trump đã tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145%.
Trung Quốc đã phản ứng trước mức thuế mới do ông Trump công bố. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 15 điểm phần trăm đối với đậu nành, ngô, thịt gà và các sản phẩm khác của Mỹ.
Đối với Bắc Kinh, Brazil đóng vai trò thay thế Mỹ.
Chủ tịch Hiệp hội trồng Đậu nành Brazil Mauricio Buffon nói với Nikkei rằng vào đầu tháng 4, Trung Quốc đã ký hợp đồng cho ít nhất 2,4 triệu tấn trong 1 tuần. Ông cho biết đơn hàng lớn bất thường này bằng 1/3 lượng hàng mà Trung Quốc thường nhập trong 1 tháng.
Kể từ khi thương chiến với Mỹ bắt đầu, Trung Quốc đã giảm sự phụ thuộc vào đậu nành do Mỹ sản xuất. Năm 2017, Mỹ cung cấp gần 40% lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Nhưng đến năm 2024, con số đó đã giảm xuống còn khoảng 20%. Trong khi đó, lượng đậu nành do Brazil sản xuất đã tăng từ mức 50% vào năm 2017 lên 70%.
Nhu cầu tăng vọt đối với đậu nành Brazil đã ảnh hưởng đến giá cả. Vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, giá đậu nành Brazil thường cao hơn khoảng 10% so với giá kỳ hạn tại Chicago. Đậu nành Brazil có xu hướng rẻ hơn giá kỳ hạn tại Chicago vào đầu mùa xuân do nguồn cung dồi dào. Nhưng hiện tại, giá đậu nành Brazil đã đắt hơn.
Chuyên gia phân tích ngũ cốc Hideki Hattori tại công ty Nippn của Nhật Bản cho biết nhu cầu đậu nành Brazil đang tăng mạnh vì chúng "ít có nguy cơ tăng giá và thiếu hụt hơn so với sản phẩm của Mỹ".
Bắc Kinh đang nỗ lực cắt giảm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ. Theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào ngày 20/4, tính theo USD, lượng bông thô nhập khẩu đã giảm 90% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước. Đối với lúa mì Mỹ, Trung Quốc trong quý 1 chỉ nhập khẩu bằng 1% lượng đã mua của cùng kỳ năm ngoái.
Động thái cắt giảm nhập khẩu cũng lan đến tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc nhập khẩu chưa đến 30% dầu thô từ Mỹ trong quý 1.
Hành động của Bắc Kinh khiến nông dân Mỹ lo ngại. Chủ tịch Hiệp hội Đậu nành Mỹ Caleb Ragland đã viết thư cho Nhà Trắng, thúc giục chính quyền ông Trump sớm đàm phán với Trung Quốc và đạt được thỏa thuận.
Theo hiệp hội, cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump đã khiến ngành nông nghiệp Mỹ thiệt hại ước tính 26 tỷ USD khi mất hơn 10% thị phần tại Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia