Có 60/63 tỉnh, thành tiếp tục triển khai (trừ Thừa Thiên - Huế, Đắk Nông và Trà Vinh) tiêm vắc xin Covid-19 trong năm 2024 với 115.371 mũi, gồm 65.288 mũi cho người từ 18 tuổi và 50.083 mũi cho nhóm từ 12 - 17 tuổi. Các mũi tiêm an toàn, không có ca phản ứng nặng.

Lần đầu triển khai trong tiêm chủng mở rộng, vắc xin rota an toàn cho trẻ nhỏ
ẢNH: BÁ ĐOÀN
Thông tin trên được đại diện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết tại hội thảo về công tác tiêm chủng mở rộng tổ chức hôm nay 21.4, tại TP. Huế.
Về các vắc xin khác trong tiêm chủng mở rộng quốc gia, năm 2024, cả nước có hơn 1,25 triệu trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin, đạt tỷ lệ 96,3%, vượt kế hoạch đề ra (từ 90%).
Tuy nhiên, ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi, các mũi vắc xin viêm gan B sơ sinh, bại liệt uống (OPV3) và bại liệt tiêm (IPV2) có tỷ lệ tiêm/uống chưa đạt yêu cầu. Mũi tiêm viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu chỉ đạt 85,7%, không đạt so với chỉ tiêu (từ 90%).
Tiêm vắc xin cho trẻ nhập học
Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, vắc xin ngừa tiêu chảy do virus rota (Rotavin) được triển khai lần đầu từ 2024, hiện, hầu hết các địa phương đạt yêu cầu tiến độ.
Trong số 156.130 liều đã được sử dụng, không có phản ứng nghiêm trọng. Ghi nhận các phản ứng nhẹ như nôn (0,12%), sốt nhẹ (0,05%), tiêu chảy (0,06%). Đối với các tỉnh đã triển khai sớm, ngành y tế khuyến nghị rà soát trẻ từ 2 - dưới 6 tháng tuổi để bảo đảm mỗi trẻ được uống đủ hai liều vắc xin Rotavin. Đây là vắc xin ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus rota.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), trong năm 2025, các địa phương tiếp tục tiêm vét vắc xin cho trẻ, chú trọng rà soát tiền sử tiêm chủng cho trẻ nhập học mầm non và tiểu học; giúp kiểm soát nguy cơ bùng dịch trong trường học.
Các quy trình sẽ được hoàn thiện gồm: thu thập thông tin, lập danh sách, kiểm tra dữ liệu tại trường học và trạm y tế, tổ chức tiêm và báo cáo kết quả. Ngành y tế cũng đề nghị bố trí kinh phí cho công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, bại liệt, bạch hầu, viêm não Nhật Bản… nhằm kịp thời ứng phó khi có dịch xảy ra.