Trước đó, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao TP.HCM triển khai tuyến đường sắt đô thị này nhằm bảo tính thống nhất, đồng bộ công tác xây dựng, vận hành và khai thác tối đa các quỹ đất quanh khu vực dự án, tăng tính chủ động của địa phương.

Phương án nối tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành
Theo quy hoạch, TP.HCM có 4 tuyến đường sắt phục vụ kết nối Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Cảng Long Thành gồm 3 tuyến đường sắt đô thị số 2, số 4 và số 6 và tuyến đường sắt quốc gia Thủ Thiêm - Long Thành. Hiện nay, TP.HCM đang nghiên cứu, ưu tiên chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2, số 4 và số 6 theo cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 188.
Riêng hình thức đầu tư và nguồn vốn đầu tư tuyến Thủ Thiêm - Long Thành chưa được xác định rõ. UBND TP.HCM nhận thấy để triển khai nhanh, hiệu quả thì việc triển khai dự án theo hình thức đầu tư công là phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, UBND TP đang tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị theo danh mục dự án kèm theo Nghị quyết số 188. trường hợp triển khai dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (sơ bộ tổng mức đầu tư gần 3,4 tỉ USD) theo hình thức đầu tư công, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Song song, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của Bộ Xây dựng, UBND TP cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát các cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 188, từ đó đề xuất điều chỉnh, bổ sung để thuận lợi trong quá trình triển khai dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành cũng như các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố.
Theo phương án của Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Xây dựng, tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài khoảng 42 km, thiết kế đường đôi, khổ đường 1.435 mm, tốc độ thiết kế 120 km/giờ. Tuyến gồm 20 ga, vận chuyển hành khách nội ngoại ô từ TP.HCM, tỉnh Đồng Nai đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành.