Trong không khí thực hiện Tháng Nhân đạo năm 2025, hoạt động khám sàng lọc, chẩn đoán xác định tình trạng sức khỏe cho trẻ câm điếc là một hoạt động thiết thực. Đây cũng là dịp hỗ trợ, tạo cơ hội phát triển công bằng cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng nhân ái.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Lê Tự Lực - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội cho biết, đây là hoạt động đầu tiên khởi động cho Tháng Nhân đạo 2025.
Năm nay, Thành Hội cũng tổ chức khám sàng lọc, chẩn đoán sức khoẻ cho nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, các em học sinh khuyết tật là nhóm đối tượng được ưu tiên và làm đầu tiên.
"Ngay sau khi có kết quả khám sàng lọc, Thành Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ, định hướng thêm một số hoạt động hỗ trợ phù hợp cho sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần cho các em", ông Lực nói.
![]() ![]() ![]() |
Các em học sinh Trường THCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội được khám sàng lọc sức khoẻ miễn phí trong khuôn khổ Tháng Nhân đạo. |
Trường THCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội được thành lập từ năm 1990, với sứ mệnh chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật. Ông Tạ Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường PTCS dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội cho biết, hiện nay, vẫn còn những em học sinh khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn còn hạn chế trong tiếp cận chăm sóc sức khỏe thường xuyên và các dịch vụ y tế.
"Vì thế, chương trình khám sàng lọc sức khỏe là một chương trình ý nghĩa, lan toả lòng nhân ái, yêu thương tới các em học sinh khuyết tật, thiệt thòi của nhà trường", ông Tạ Ngọc Anh nói.
Theo đó, các hoạt động được đưa ra như khám cân đo chiều cao, khám răng hàm mặt, khám mắt, khám nội soi, khám phân loại khuyết tật. Từ đó, các bác sĩ phát hiện ra các bệnh lý và hướng điều trị sau này cho các em học sinh khuyết tật để cải thiện và hồi phục lại các kỹ năng, khả năng giao tiếp, trí nhớ, tư duy của các em được tốt hơn.
![]() ![]() |
Đây cũng là dịp hỗ trợ, tạo cơ hội phát triển công bằng cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng nhân ái. |
Về công tác giáo dục cho trẻ câm điếc, ông Ngọc Anh thông tin thêm, học sinh của trường được tiếp cận bài giảng thông qua giáo án điện tử, phương pháp giáo dục trực quan sinh động. Các em được hỗ trợ đặc biệt trị liệu nghe nói và ngôn ngữ, được hướng nghiệp dạy nghề may và tin học, dạy kỹ năng sống và dạy văn hoá. Qua đó, nhiều em học sinh đã cải thiện đáng kể kỹ năng sống, tự tin hơn và làm được những điều tưởng chừng không làm được như những người bình thường khác.