Tài chính

Tăng trưởng tín dụng đến 20/3 đạt 1,61%, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm trước

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng. 

Tính đến thời điểm 20/3/2023,tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61% trong khi cùng thời điểm năm 2022 tăng 4,03%. Cùng với đó,huy động vốn của các tổ chức tín dụng cũng chỉ tăng 0,77% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,15%).

Tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022, cùng kỳ năm trước tăng 2,49%.

Tín dụng đã tăng rất chậm trong các tháng đầu năm do nhu cầu vay vốn sụt giảm trong khi mặt bằng lãi suất tăng cao.Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77%, huy động vốn tăng 0,05% so với cuối năm 2022. 

Lý giải về điều này, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào đầu tháng 3, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tín dụng hai tháng đầu năm tăng chậm do thời điểm này trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bên cạnh đó, sức khỏe nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi COVID-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp cũng suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.

Ngoài ra, những năm trước, tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, song năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Trong năm 2023,NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14-15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường. NHNN cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong tháng 2 nên tín dụng tăng chậm không phải do nguyên nhân về "room".

Ngày 14/3/2023, NHNN đã điều chỉnh các mức lãi suất. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

NHNN đánh giá việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ. Qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

"Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", NHNN cho hay.

Tỷ giá tương đối ổn định

Theo báo cáo của GSO, tỷ giá trung tâm được điều hành chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong nước và quốc tế, các cân đối vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường tiền tệ nhìn chung ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm