Doanh nghiệp

Các công ty logistics ngại đầu tư vận chuyển xanh

Ông Tim Scharwath, CEO của DHL Global Forwarding cho biết các cuộc thảo luận về lợi ích bền vững tại công ty thường dừng lại khi nhắc đến vấn đề chi phí. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các mục tiêu môi trường và hoạt động logistics cần được rút ngắn và có những giải pháp cụ thể.

DHL đã chi gần 470 triệu USD cho các biện pháp vận chuyển xanh trong 2 năm. Ảnh: Reuters

DHL đã chi gần 470 triệu USD cho các biện pháp vận chuyển xanh trong 2 năm. Ảnh: Reuters

Theo nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển Clarksons, những thay đổi lớn về nhiên liệu, cơ sở hạ tầng và thiết bị vận tải nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon rất tốn kém. Cụ thể, chỉ riêng ngành hàng hải sẽ phải chi khoảng 3.000 tỷ USD để loại bỏ khí thải trong vài thập kỷ tới. Tuy nhiên, có rất ít giải pháp trang trải các chi phí đó trong ngành kinh doanh vận tải hàng hóa.

Một nghiên cứu gần đây của Boston Consulting Group cho thấy, 82% các công ty sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho vận chuyển bền vững nhưng tỏ ra e dè trước mức phí bảo hiểm cho vấn đề này. Điển hình là giá xe tải điện thường cao gấp ba lần xe tải thông thường, đặc biệt đắt ở châu Âu - nơi chi phí điện cao. Giá nhiên liệu sinh học hàng hải và hàng không cũng cao hơn nhiều lần nhiên liệu thường.

DHL, một trong những công ty chuyển phát lớn nhất thế giới có mục tiêu chi tới 7,4 tỷ USD cho quá trình khử cacbon vào năm 2030. Trong hai năm qua, công ty chi gần 470 triệu USD cho các biện pháp như nhiên liệu hàng không xanh và xe điện. Lãnh đạo của DHL cho biết, tiến độ xanh hóa logistics chậm một phần là do khan hiếm nhiên liệu thay thế và máy bay, tàu, xe tải phải chạy bằng năng lượng bền vững. Họ hy vọng chi tiêu xanh trong vài năm tới tăng đáng kê, khi có nhiều lựa chọn hơn.

Ông Scharwath cho biết tính bền vững ngày càng quan trọng đối với người tiêu dùng, đồng thời, đóng vai trò lớn hơn trong việc ra quyết định trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, các giải pháp bền vững vẫn còn hạn chế.

Hiện nay, ít máy bay và tàu chạy bằng nhiên liệu sinh học nên các nhà xuất nhập khẩu không dễ dàng chọn được phương thức vận chuyển bền vững. Một số hãng ngần ngại áp dụng các giải pháp dài hạn như trồng cây, vì có thể mất nhiều năm mới nhận được lợi ích. Tapestry Inc., chủ sở hữu các thương hiệu Coach và Kate Spade New York đang thử nghiệm chương trình mua nhiên liệu giảm phát thải do GoodShipping BV tổ chức. Theo kế hoạch GoodShipping, Tapestry sẽ đặt hàng hóa trên các tàu container thông thường nhưng trả thêm phí cho nhiên liệu sinh học được sử dụng trên các tàu khác để giảm khí thải.

Phó Chủ tịch Tapestry Logan Duran cho biết, mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính của công ty là 42,5% vào năm 2030. Trong khi đó, một số công ty vận chuyển hàng hóa và logistics bày tỏ mong muốn được cơ quan quản lý hỗ trợ thúc đẩy các loại hình đầu tư cần thiết, để phát triển vận tải bền vững. Các cơ quan quản lý cũng đang tìm cách gia tăng ưu đãi cho các hoạt động xanh.

Cụ thể, Liên minh châu Âu dự kiến áp dụng thuế khí thải carbon vào năm tới đối với các tàu ghé cảng lục địa này. Tại Mỹ, chính quyền Biden năm ngoái đề xuất các tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với khí thải từ xe tải hạng nặng. Bang California (Mỹ) cũng có kế hoạch loại bỏ dần việc sử dụng xe tải chạy bằng dầu diesel tại các cảng từ năm tới, với mục tiêu chỉ có xe tải chạy bằng hydro và pin điện cập cảng vào năm 2035. Trong đó, nhà cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ NFI Industries Inc. dự kiến có 100 xe tải điện phục vụ các cảng của bang vào cuối năm nay.

(theo The Wall Street Journal)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm