Theo báo cáo mới công bố từ Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 3/2023 tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý I năm 2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 5,01%.
Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 6 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước; 5 nhóm hàng tăng giá.
6 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm nóm giáo dục giảm mạnh nhất với 1,71%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,58%; nhóm giao thông giảm 0,16%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,05% do quy luật giảm tiêu dùng sau Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02% chủ yếu do giá điện thoại cố định, di động và máy tính bảng giảm.
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,02% chủ yếu do thời tiết các tỉnh phía Bắc ấm dần lên và nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm.
5 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng là: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,36%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%.
Ngoài ra, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân quý I năm 2023 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022 do một số nguyên nhân chủ yếu.
Cụ thể, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng quý I năm 2023 tăng 7,17% so với cùng kỳ năm trước. Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,41%. Học phí giáo dục tăng 10,13%. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,9%. Giá điện sinh hoạt tăng 2,71%. Giá gạo trong nước tăng 2,24%.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý I năm 2023 như giá xăng dầu trong nước giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước; giá gas trong nước giảm 1,81% theo giá thế giới; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,26%.
Lạm phát cơ bản tháng 3 tăng 0,22% so với tháng trước, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I năm 2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%). Nguyên nhân chủ yếu do: Bình quân giá xăng dầu trong nước quý I/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.