Nghị định 08 ban hành đã cho phép gia hạn trái phiếu thêm hai năm đồng nghĩa với việc cho doanh nghiệp phát hành có thêm thời gian để xoay sở tìm cách trả nợ. Một số thương vụ huy động vốn nhằm mục đích đảo nợ đã diễn ra sau khi quy định mới được ban hành. Dù vậy, để khôi phục lại niềm tin, khơi thông dòng vốn vẫn còn một đoạn đường rất dài.
Bình luận về diễn biến trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Vương Quốc Anh cho rằng, thị trường TPDN như bệnh nhân đã được cấp cứu xong sau khi quy định mới được ban hành nhưng căn bệnh thì vẫn còn đó và có thể tái phát bất cứ lúc nào.
Còn nhớ khi sự kiện SCB nổ ra vào tháng 10/2022, thanh khoản thị trường tài chính bị ảnh hưởng nặng nề, thanh khoản liên ngân hàng có biểu hiện căng thẳng, thị trường TPDN hoàn toàn đóng băng, cổ phiếu ảm đạm. Khi đó, lãi suất tăng cao, thanh khoản của cả nền kinh tế cạn kiệt.
Vấn đề của thị trường tài chính mà trong đó nghiêm trọng nhất là sự đứt gãy dòng tiền ở TPDN đang là mối quan ngại nhất của nền kinh tế. Bởi “căn bệnh” của TPDN chưa được điều trị dứt điểm, khi khối lượng trái phiếu đáo hạn cao và tâm lý thị trường xấu thì những vấn đề đó lại bộc lộ, ông Tuấn cho biết.
Theo
Không chỉ vấn đề về tiền, điều mà phần lớn doanh nghiệp BĐS mong đợi nhất đó chính là vấn đề về pháp lý dự án. Hiện bất động sản là lĩnh vực có mức độ thâm dụng vốn lớn nhất toàn thị trường, với tỷ lệ vòng quay tài sản chỉ ở mức 0,16 lần. Các hiệp hội, doanh nghiệp BĐS đều nhất trí cho rằng pháp lý dự án là điểm nghẽn lớn nhất khiến doanh nghiệp chậm đưa sản phẩm vào kinh doanh, làm tăng chi phí lãi vay và chậm thu hồi vốn để trả nợ trái phiếu.
Một tín hiệu tích cực hiện nay là nhiều địa phương đang tích cực vào cuộc rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản sau khi Nghị quyết 33 được ban hành. Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường. Nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền.
Theo các chuyên gia, nếu tháo gỡ được vấn đề trước mắt là pháp lý thì ngay lập tức hàng trăm dự án được giải toả và dòng tiền từ đó mà ra. Quan trọng hơn, pháp lý là niềm tin, tháo gỡ sẽ củng cố niềm tin một cách mạnh mẽ.
"Nghị quyết nêu rõ mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh việc xử lý, tháo gỡ về pháp lý liên quan đến các dự án bất động sản để hỗ trợ và tạo ra nguồn cung trên thị trường. Đây là yếu tố rất quan trọng vì thị trường hiện có hơn 100.000 căn hộ đang xây dựng. Nếu các thủ tục ảnh hưởng đến tiến độ dự án được được thông qua, sẽ cải thiện nguồn cung trên thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua", ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nói.
Dù vậy, thị trường vẫn đang cần hơn nữa những sự quyết liệt trong việc thực thi chính sách. Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) Lê Hoàng Châu, song song với trách nhiệm của địa phương là trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong giải quyết các hồ sơ vướng mắc của doanh nghiệp.
“Việc xác định đó rất quan trọng, bởi hiện nay, có hiện tượng sau khi nhận hồ sơ thì cán bộ, công chức, trước hết là tìm cớ để trả hồ sơ, nếu trả lại không được thì lại tìm cớ để trả hồ sơ qua cơ quan khác, khiến cho hồ sơ chạy lòng vòng, chậm được giải quyết. Vì vậy, vấn đề trách nhiệm thi hành công vụ phải được nâng cao", ông Lê Hoàng Châu cho hay.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách – Tiền tệ Quốc gia thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân, bản chất vấn đề của thị trường TPDN xuất phát từ sự liên minh giữa bất động sản với các ngân hàng, thông qua tập đoàn sân sau. Các doanh nghiệp này đẩy giá bất động sản lên, gây tình trạng đầu cơ và kéo theo toàn bộ mặt bằng lãi suất tăng cao.
“Lãi suất cao như vậy các nhà đầu tư mua bất chấp rủi ro. Đẩy giá 1m2 nhà ở chung cư quận 1 lên đến 1 tỷ đồng, 1m2 đất quận 2 lên đến 2,3 tỷ. Đây là vấn đề dài hạn, ảnh hưởng vấn đề nợ xấu của ngân hàng thương mại bởi tài sản đảm bảo từ đó mà ra”, ông Nghĩa nói.
Vì vậy, việc Chính phủ can thiệp thị trường TPDN được đánh giá là cấp thiết và kịp thời. Nếu không thì nguy cơ càng để lâu, bong bóng càng lớn và hậu quả của nó đối với hệ thống kinh tế tài chính Việt Nam sẽ rất lớn và ảnh hưởng dai dẳng.
TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia thì nhấn mạnh một yêu cầu tiên quyết của thị trường TPDN là phải minh bạch, chất lượng trái phiếu tốt thì từ đó lấy lại được niềm tin nơi nhà đầu tư.
Theo ông, muốn làm được như vậy, cơ quan quản lý cần có những biện pháp kiểm soát bước đầu thông qua những quy định, luật định, chế tài xử phạt thích đáng. Trong đó, giải pháp đầu tiên là giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.
Sau khi doanh nghiệp phát hành TPDN, cần hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường, như cơ chế quản lý đối với trái phiếu sau phát hành như quản lý tài sản đảm bảo, giám sát dòng tiền, quản lý mục đích sử dụng vốn… Tăng mức chế tài đối với các hành vi vi phạm.
Tại Điều 50 của Luật Các thị trường vốn và Dịch vụ đầu tư tài chính (FSCMA) ban hành năm 2007 và có hiệu lực năm 2009 quy định Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc (KOFIA) phải thiết lập các thủ tục tiêu chuẩn đối với các khuyến nghị đầu tư, cung cấp các hướng dẫn cụ thể về các khuyến nghị đầu tư cho khách hàng.
Đối với các sản phẩm phái sinh hoặc sản phẩm tài chính rủi ro cao, FSCMA yêu cầu các công ty đầu tư tài chính đánh giá sự phù hợp của sản phẩm.
Công ty tài chính phải thu thập các thông tin liên quan đến lịch sử đầu tư của nhà đầu tư cá nhân, bao gồm cả mục đích đầu tư, vốn và kinh nghiệm đầu tư thông qua tham vấn hoặc phỏng vấn trước khi đưa ra các khuyến nghị về các sản phẩm cụ thể. Việc làm này sẽ làm tăng lòng tin và cơ sở cho việc ra các quyết định chính xác của các nhà đầu tư.
Thị trường trái phiếu phát triển "hoang dại" trong vài năm qua có nhiều tổ chức lách luật trong việc chào bán các trái phiếu vốn chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp cho nhà đầu tư không chuyên. Thực trạng này buộc chúng ta cần đánh giá lại cấu trúc của thị trường, việc thiếu các quỹ đầu tư, định chế tài chính lớn tham gia đầu tư là thiếu bền vững.
Ông Dương Hồng Hà, Phó Trưởng ban Ban giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng cần có giải pháp mạnh hơn, đơn cử thành lập quỹ hỗ trợ trái phiếu. Nhìn xa hơn, cần phối hợp giải pháp khác khi nguồn cầu từ nhà đầu tư cá nhân trong thời gian tới sụt giảm, có giải pháp khuyến khích nguồn cầu của nhà đầu tư tổ chức.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, để phát triển thị trường TPDN bền vững, cần tách trái phiếu ngân hàng và các định chế tài chính với TPDN; hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, phát triển các quỹ mở đầu tư trái phiếu. Đồng thời, phát triển thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản, thì các trái chủ khi cần bán lại sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp.
Dưới góc nhìn của người trong cuộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho hay, chìa khóa để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, phải đến từ sự minh bạch. Minh bạch đến từ sự chủ động của doanh nghiệp, đến từ yêu cầu của cơ quan quản lý, các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, minh bạch chưa đủ mà phải đi kèm với sự nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phát hành đã minh bạch thông tin song nhiều nhà đầu tư chỉ mua theo phong trào mà không hiểu được nội dung của các bản cáo bạch. Vì vậy, nâng cao hiểu biết của các thành viên tham gia thị trường là rất quan trọng.
Cần một thể chế giám sát để các thành phần tham gia thị trường được đảm bảo công bằng. Cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp - chất lượng của con nợ - và tổ chức phát hành. Làm được như vậy thị trường TPDN sẽ phát triển bền vững, ông Quỳnh đánh giá.