Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia của SSI Research nhận định kinh tế tăng trưởng bứt phá nhưng triển vọng kém khả quan hơn.
Số liệu từTổng cục Thống kê tiếp tục cho thấy sự bứt phá của nền kinh tế sau đại dịch, bất chấp những thách thức toàn cầu đang ngày càng rõ nét hơn.
Tăng trưởng GDP trong quý III ghi nhận ở mức khá cao, tăng 13,67% so với cùng kỳ, và góp phần đấy tăng trưởng trong 9 tháng năm 2022 lên 8,83% - mức cao nhất kể từ năm 2011.
Điểm sáng trong quý III là nền kinh tế cho thấy sự hồi phục đồng đều ở các khu vực, trong đó lĩnh vực chế biến chế tạo (tăng 13% so với cùng kỳ) và tiêu dùng (tiêu dùng cuối cùng: 10%), là động lực chính cho con số tăng trưởng ấn tượng kể trên.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại đây đã quan sát thấy một số biến số vĩ mô bắt đầu dấu hiệu kém tích cực hơn và cho thấy nền kinh tế không thể đứng ngoài những rủi ro bên ngoài.
Nếu loại trừ yếu tố kỹ thuật (mức nền thấp trong quý III/2021), tăng trưởng GDP trong quý III ước tính đạt 6,5% so với cùng kỳ - thấp hơn so với mức 7,8% trong quý II và cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể đã đat đỉnh trong quý II hoặc quý III.
Tương tự, số liệu đã điều chỉnh tính mùa vụ của xuất khẩu và doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cho thấy tăng trưởng đã chậm lại theo quý. Đặc biệt, xuất khẩu trong quý III đã ghi nhận mức tăng trưởng âm so với quý II cho thấy triển vọng khó khăn trong thời gian tới đối với hoạt động thương mại.
SSI lưu ý lạm phát ở Việt Nam thường có độ trễ so với thế giới và trên thực tế, phải đến quý III, lạm phát mới bắt đầu có những dấu hiệu tăng tốc mạnh.
Chỉ số CPI trong tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước, và dưới tác động của mức nền giá thấp vào cuối năm ngoái, chỉ số CPI so với cùng kỳ đã tiến sát tới gần mức mục tiêu 4% của Chính phủ.
Giá xăng dầu giảm trong tháng 9 đã hỗ trợ cho chỉ số CPI, tuy nhiên cũng không thể cân bằng lại mức tăng mạnh từ học phí (tăng 6,48% so với tháng trước) và giá thuê nhà (tăng 8,16%).
Nhìn chung, mức nền thấp trong nửa đầu năm đã giúp lạm phát trung bình trong 9 tháng đầu tương đối thấp, chỉ tăng 2,73% so với cùng kỳ. Áp lực lạm phát tăng dần 3 tháng cuối năm, tuy nhiên mức lạm phát bình quân trong năm 2022 vẫn nằm trong tầm kiểm soát (ước tính 3,5%).
SSI không loại trừ Chính phủ sẽ thực hiện tăng giá một số mặt hàng dịch vụ thuộc quản lý (như giá điện, y tế) trong quý IV để giảm tải bớt áp lực lên điều hành chính sách trong năm 2023.