Vợ chồng anh Trung và chị Hạnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vừa chốt bán mảnh đất tại Đan Phượng với số tiền 1,5 tỷ đồng. Theo kế hoạch, sau khi bán đất anh chị sẽ dồn tiền mặt tìm mua một căn hộ hai phòng ngủ trên 3 tỷ đồng trong quận nội thành, để tiện cho con cái học hành.
Tuy nhiên, những ngày gần đây lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục tăng mạnh, anh Trung đã bàn cùng vợ tạm thời nên tranh thủ gửi tiền ngân hàng, việc tìm mua nhà không cần vội vàng, khi nào gặp căn hộ phù hợp sẽ tính tiếp.
“Với 3 tỷ đồng gửi tiết kiệm, nếu gửi ngân hàng kỳ hạn 01 năm, lãi suất 7,45% thì trung bình mỗi tháng tôi có khoản lãi gần 19 triệu đồng. Trong khi, tiền thuê nhà cho gia đình gồm hai vợ chồng và 1 con nhỏ là 5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, nơi thuê trọ cũng khá ổn, chúng tôi sẽ gửi ngân hàng một thời gian nữa, vừa tranh thủ tiết kiệm thêm, vừa tiếp tục tìm căn hộ phù hợp rồi chốt”- anh Trung nói.
Thống kê tại 36 ngân hàng trong nước tới ngày 5/10 cho thấy, trong một tháng qua, hơn 30 đơn vị đồng loạt tăng lãi suất huy động, trong đó có 20 nhà băng ghi nhận lãi suất tăng tại tất cả kỳ hạn với mức tăng cao nhất 1,9%, đưa mặt bằng về gần mức trước dịch.
Không có nhà băng nào giảm lãi suất và chỉ có 4 đơn vị giữ nguyên biểu lãi suất tháng 9 gồm Techcombank, ABBank, Oceanbank, CBBank.
30 ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động, nhiều người tạm gác kế hoạch mua nhà dùng tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng
Đây là lần đầu tiên lãi suất huy động tăng trên diện rộng với mức tăng mạnh, sau hơn hai năm Covid-19 vừa qua.
Cụ thể, hàng loạt ngân hàng thương mại đã đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài lên mặt bằng mới, nhiều ngân hàng chấp nhận chi trả mức lãi suất trên 8%/năm cho các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường hiện nay lên tới 8,2%/năm do ngân hàng số Cake by VPBank đưa ra, áp dụng với các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng và kỳ hạn 36 tháng. Với tiền gửi thời hạn 01 năm, tại Ngân hàng CBBank, mức lãi suất huy động đang cao nhất là 7,45%/năm; tiếp đến là ngân hàng SCB 7,3%/năm; Bắc Á Bank và ĐôngÁ Bank cùng có mức 7,2%/năm....
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc đốc một DN về BĐS cho hay: Lãi suất huy động tăng mạnh. Trong khi hiện tại, tính thanh khoản của thị trường bất động sản đang thấp nên việc lựa chọn tiền gửi ngân hàng với đầu tư bất động sản đang là sự lựa chọn khá phân vân của nhiều nhà đầu tư hiện nay.
“Thời điểm đầu năm, khi bất động sản tăng trưởng thì có đến 70-80% lựa chọn đầu tư bất động sản, 20-30% chọn gửi tiền ngân hàng. Còn thời điểm hiện nay, khi lãi suất tăng, theo tôi đánh giá, sự lựa chọn đang ở mức 55% sẽ gửi ngân hàng và 45% tìm cơ hội đầu tư bất động sản.
Khi lãi suất tăng, đầu tư bất động sản sẽ trở thành lựa chọn thứ hai so với việc gửi tiền vào ngân hàng trong thời điểm hiện nay khi tính thanh khoản bất động sản thấp chứ chưa nói đến câu chuyện lời lãi, mua xong bán được cũng rất khó, phải mất tới 2-3 năm nữa”, ông Quang nói.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, thời điểm này lại là cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp và dài hơi.
“Giao dịch trên thị trường hiện nay đang rất thấp, giá có xu hướng giảm ở một số nơi; các nhà đầu tư lớn và các chủ đầu tư lớn đang có chính sách khuyến mại khác nhau mục tiêu là để giảm giá, thu hút người mua… Nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ biết được bất động sản nào tốt có thể đầu tư hiện nay. Đây là cơ hội tốt với nhà đầu tư bất động sản vào tháng 11-12 tới đây.
Còn những nhà đầu tư mới tham gia thị trường, chưa có nhiều kinh nghiệm nên theo dõi thêm, qua Tết tức là khoảng tháng 2, tháng 3 năm sau mới quyết định được. Có thể, qua Tết thị trường bất động sản sẽ bình ổn lại, đến quý 3, quý 4 năm sau, thị trường sẽ tăng trưởng ổn định”, ông Quang nhận định.