Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Ban Chỉ đạo), vừa ký Công văn số 03/CV-BCĐ gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.

Tỉnh Bắc Kạn sẽ hợp nhất với tỉnh Thái Nguyên, lấy tên là tỉnh Thái Nguyên. Trong ảnh là một góc TP Bắc Kạn.
Ban Chỉ đạo đã hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Theo đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 đã quy định rõ về lấy ý kiến nhân dân đối với việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính.
Để đáp ứng tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025, Chính phủ cũng đã có kế hoạch yêu cầu UBND cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập (đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh), ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp (đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã).
Để bảo đảm thống nhất về nội dung, trình tự, thủ tục lấy ý kiến nhân dân tại địa phương, Ban Chỉ đạo đề nghị UBND cấp tỉnh có thể lựa chọn hình thức phát phiếu lấy ý kiến hoặc lựa chọn các hình thức phù hợp khác như lấy phiếu qua trang thông tin điện tử, họp đại diện hộ gia đình tại đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố để biểu quyết...
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có thể thực hiện đồng thời với việc lấy ý kiến đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Về cơ quan chủ trì xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân, Ban Chỉ đạo đề nghị Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy (nơi được lựa chọn đặt trung tâm chính trị - hành chính) chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ tỉnh ủy cùng cấp sáp nhập xây dựng Đề án. Đối với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn của địa phương nào thì Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy nơi đó chỉ đạo tổ chức lấy kiến.
Theo đề án của Chính phủ, có số 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, gồm: 4 thành phố: Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và 48 tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quang Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đằng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Kiên Giang.
52 đơn vị hành chính cấp tỉnh nêu trên sẽ sáp nhập, hình thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới. Với phương án đã được Trung ương thông qua, có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập. Như vậy sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, dự kiến cả nước có 34 tỉnh, thành phố.
Đối với đơn vị hành chính cấp xã, hiện cả nước có hơn 10.000 xã. Theo phương án được Trung ương thông qua, sau sáp nhập, cả nước dự kiến giảm khoảng 60% - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.