Mảnh gốm có chứa vật liệu nổ còn sót lại từ thời Trung cổ - Ảnh: SKY NEWS
Các mảnh vỡ được phát hiện tại Armenian - một trong những khu phố chính của Thành Cổ ở Jerusalem. Đây cũng là nơi các nhà nghiên cứu đã khai quật được một số lượng lớn các di vật có từ thời Đế quốc Byzantine (330 - 1453).
Các nhà khảo cổ tin rằng một trong số các mảnh vỡ tại Armenian có chứa các thành phần hóa học tương ứng với "một quả lựu đạn thời Trung cổ".
Đế chế Byzantine được biết đến với việc sử dụng vũ khí tầm nhiệt sơ khai, dựa trên phát minh về hợp chất dễ cháy gọi là "lửa Hy Lạp". Vào thời đó, lửa Hy Lạp là vũ khí lợi hại dựa trên naphtha và vôi sống, có khả năng đốt cháy tàu địch.
Người Byzantine đóng gói hợp chất này vào các hộp đựng bằng đá, gốm và sau này là thủy tinh để tạo ra lựu đạn Trung cổ, trước cả khi Trung Quốc sử dụng thuốc súng cho mục đích chiến tranh.
Phát hiện được nêu trong nghiên cứu do Giáo sư Carney Matheson tại Đại học Griffith ở Úc dẫn đầu và được xuất bản trên tạp chí khoa học PLOS One.
"Những quả lựu đạn này ném vào thành trì quân địch trong cuộc Thập tự chinh tạo ra tiếng động lớn và những tia sáng chói lòa", Giáo sư Matheson cho biết.
Theo tờ Insider, trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng lựu đạn thời Trung cổ có chứa thuốc súng. Nhưng thuốc súng, lần đầu tiên được phát minh ở Trung Quốc, đã không xuất hiện ở Trung Đông cho đến thế kỷ 13.
Các cuộc Thập tự chinh - một loạt các cuộc chiến tranh tôn giáo do người Cơ đốc giáo châu Âu lãnh đạo để chinh phục Jerusalem và Đất Thánh từ các nhà cai trị Hồi giáo - đã diễn ra từ năm 1095 đến năm 1291.
Giáo sư Matheson cho rằng nghiên cứu này nghiên cứu này rất có ý nghĩa vì nó "nâng cao hiểu biết của chúng ta về vũ khí thời Trung cổ ở Trung Đông" và xác minh lời kể của quân Thập tự chinh.