Chiều cuối tháng 3, trong căn trọ nhỏ ở huyện Long Thành, bé Huyền 3 tuổi, con chị Lưu Thị Ngọc Bích đang ngồi chơi bỗng cười sằng sặc. Đang nhỏ thuốc cho con gái lớn Kim Oanh, 6 tuổi bị u hóc mắt, chị Bích bỏ ngang chạy lại ôm đứa nhỏ, nước mắt túa ra.
Một năm trước, chị đã ngờ ngợ bé Huyền có dấu hiệu mắc bệnh tự kỷ. Chưa kịp đưa con đi khám, chị nhận ngay kết quả xét nghiệm ung thư của Kim Oanh.
Từ đó, cứ 20 ngày, hai mẹ con lại lên Sài Gòn, ở lại một tuần để hóa trị. Chồng chị, anh Thế Hùng trở thành trụ cột kinh tế duy nhất của gia đình nên không thể cùng vợ đưa con đi chữa bệnh hay trông đứa con gái nhỏ. Tất cả những gì anh công nhân có thể làm là tăng ca ngày 14 tiếng mỗi ngày, từ thứ hai đến chủ nhật để nhận khoản lương 9 triệu đồng. Những lần đi viện, chị Bích gửi con cho hàng xóm trông rồi trả tiền.
"Không đủ khả năng để cùng lúc trị bệnh cho cả hai, tôi buộc phải chọn chạy chữa cho Kim Oanh vì ung thư không thể chờ", chị Bích nói. Người mẹ biết, các triệu chứng tự kỷ của bé Huyền ngày một trầm trọng.
Kim Oanh được phát hiện ung thư khi bị ong chích vào mắt trái, tháng 3 năm ngoái. Nghe con than đau nhức, vợ chồng chị Bích ra tiệm mua thuốc tự chữa, rồi đến bệnh viện. Nhưng càng uống thuốc mắt càng sưng to, chị đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 2, rồi Bệnh viện Mắt ở Sài Gòn khám.
Sau khi làm sinh thiết khối u cho kết quả Oanh mắc ung thư, cần nhập viện để hóa trị. Ngày bác sĩ yêu cầu ký vào giấy cam kết điều trị, chị Bích tay run, chạy ra hành lang khóc một hồi lâu. Khi trấn tĩnh, người mẹ mới quay trở lại, đặt bút ký. Vốn kiệm lời, lại không thể đồng hành cùng vợ con ở bệnh viện, anh Thế Hùng chỉ biết gọi điện động viên: "Hai mẹ con ráng ít hôm rồi về". Ông bố không ngờ, hành trình giành lại sự sống cho con gái kéo dài suốt cả năm.
Khi những toa thuốc đầu tiên được truyền vào người, tác dụng phụ của thuốc khiến Oanh bị loét miệng, môi sưng to. Suốt một tuần, em không ăn uống được gì nên bác sĩ phải truyền nước, từ một cô bé mập mạp, sau một tháng cô bé chỉ còn da với xương.
Dịch Covid-19 giai đoạn tháng 6 đến tháng 9 năm ngoái là khó khăn nhất với gia đình chị Bích. Trước lệnh cấm ra đường để phòng bệnh, mẹ con chị không thể về Đồng Nai. Chị buộc phải thuê nhà trọ 120.000 đồng mỗi ngày cạnh bệnh viện để tiện truyền thuốc. Nhưng nhà trọ có người nhiễm Covid, chị bấm bụng đi mướn một phòng trọ xa bệnh viện hơn giá 250.000 đồng một ngày. Trước đây, mẹ con chỉ tốn vài trăm nghìn tiền xe đò đi về, nhưng vì dịch chị phải thuê xe dịch vụ, giá 1,5 triệu một chuyến.
Bé Huyền thường xuyên phải xa mẹ, cả tháng không gặp, lúc mẹ và chị hai về em không nhận ra. "Mất đến 3 ngày, con mới chịu nhìn mặt tôi", chị kể.
Không chỉ lo tiền thuốc, tiền ăn, tiền trọ, tiền xe, tiền gửi con mà những trận cười vô thức của Huyền đè nặng tâm trí, khiến chị Bích không một đêm tròn giấc.
Dịch bệnh qua đi, sức khỏe của Kim Oanh ổn định, chị Bích quyết dẫn bé Huyền đi khám. Tháng trước, hai tay dắt hai con lên Sài Gòn, người mẹ định vào thuốc cho Oanh xong sẽ sang Bệnh viện Nhi đồng 2 khám cho Huyền. Nhưng vừa lên viện cả ba mẹ con nhiễm Covid nên đành quay về. Những ngày ở nhà, chị Bích hay tự hỏi: "Sao ông trời cứ thử thách mình?". Thế nhưng, chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đầu hàng mà luôn tự trấn an: "Còn con là còn hạnh phúc, còn con là còn hy vọng".
Một năm qua, bao nhiêu tiền vợ chồng tích cóp đều dồn hết cho Oanh. Nhờ giúp đỡ của chương trình Mặt trời Hy vọng, bé được hỗ trợ 30 triệu đồng. Những toa thuốc sau, khi hết tiền, chị Bích lại gõ cửa phòng công tác xã hội của viện nhờ giúp đỡ.
Bác sĩ Chu Hoàng Minh, Khoa Ung bướu nhi, Bệnh viện Ung Bướu cho biết: "Sau một năm điều trị ở viện, sức khỏe của Kim Oanh tiến triển khá tốt. Thời gian tới sẽ đánh giá để xem xét có nên xạ trị cho bé hay không. Là bệnh nhi nên có khả năng xạ trị sẽ tốn kém hơn, do vị trí u nằm ngay hốc mắt, phải dùng kỹ thuật xạ cao".
Kim Oanh ước mơ được đóng vai công chúa nên thường hỏi mẹ khi nào con mọc tóc. Chị Bích chỉ dám nói: "Tóc con đang mọc đấy, nhưng hơi chậm". Dù một năm qua, Oanh đã quen với việc lên Sài Gòn mỗi tháng, nhưng cứ mỗi lần đi, Oanh lại hỏi mẹ: "Bao giờ con mới hết đi bệnh viện hả mẹ?".
Cũng như mọi lần, chị nói lần này không đi viện mà sẽ đi nhà sách, đi siêu thị... Có điều, trong thâm tâm người mẹ biết mình không thể giữ lời.