Vào thời kỳ phong kiến ở Trung Quốc cổ đại, hoàng đế nắm giữ vị trí cao nhất. Hoàng cung trở thành trung tâm quyền lực của cả đất nước, đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong lịch sử phong kiến hơn 2000 năm của Trung Quốc, tồn tại rất nhiều hoàng đế và hầu như ai cũng xây dựng cung điện hoành tráng đồ sộ, nguy nga lộng lẫy trong thời gian tại vị. Chẳng hạn thời Tần có cung Hàm Dương, cung A Phòng, thời Tây Hán tiêu biểu như cung Vị Ương, hay cung Đại Minh vào thời Minh cũng nổi danh thiên hạ,...
Nhưng cho đến ngày nay, cung điện hoàng gia nổi tiếng nhất chắc hẳn chính là Tử Cấm Thành được xây dựng vào triều đại Minh - Thanh, hay chúng ta thường gọi là Cố cung Bắc Kinh. Cố cung là cung điện hoàng gia vào thời Minh - Thanh, cả công trình kiến trúc nằm trên trục trung tâm của Bắc Kinh, quy mô cực kỳ lớn. Không những thế, cung điện càng uy nghiêm tráng lệ.
Là nơi ở của dòng dõi hoàng tộc, nên dù xét về quy mô chung hay độ tinh xảo trong chi tiết xây dựng, Tử Cấm Thành đều đứng đầu thiên hạ lúc bấy giờ. Cả bố cục lẫn vật liệu xây dựng đều rất được chú trọng, tượng trưng cho quyền lực tối cao của hoàng đế. Theo thời gian khi vị vua cuối cùng của triều đại nhà Thanh - vua Phổ Nghi thoái vị, bức màn bí ẩn về Tử Cấm Thành cũng dần được hé lộ.
Trong Tử Cấm Thành có rất nhiều di vật lịch sử quý giá, không những thể hiện được tay nghề khéo léo của cổ nhân, mà còn cho thấy trí tuệ đáng ngưỡng mộ của bậc tổ tiên. Nhiều người từng đến Cố cung đều thấy rằng, ở khắp nơi trong Hoàng thành đều đặt những chiếc lu lớn. Chúng có thể tích lớn, hai bên còn treo vòng sắt. Vậy những chiếc lu này có công dụng gì?
Thật ra, những chiếc lu này đều là lu nước được làm bằng kim loại, vào thời nhà Minh, chúng được làm bằng sắt hoặc đồng. Để thể hiện địa vị hoàng gia, thậm chí một số lu còn là đồng mạ vàng. Đến thời nhà Thanh, hầu hết đều đã chuyển sang dùng lu đồng mạ vàng. Chúng được đặt bên ngoài các cung điện quan trọng như Thái Hòa điện hay Bảo Hòa điện.
Ở Trung Quốc cổ đại, người ta thường sử dụng kiến trúc có kết cấu từ đất và gỗ. Cho dù đến thời Minh - Thanh, đa số đã dùng gạch ngói để xây dựng Hoàng thành, nhưng các kiến trúc lớn vẫn làm bằng gỗ. Như vậy tiềm ẩn mối họa hỏa hoạn, sập đổ phòng ốc cung điện,... lại còn khó dập lửa. Thế nên, để khống chế được ngọn lửa ngay khi hỏa hoạn vừa xảy ra, người ta đã để nhiều lu nước trong Tử Cấm Thành.
Để chứa được nhiều nước nhất có thể, thể tích của các lu nước này vô cùng lớn, thậm chí có thể chứa đến 3 tấn nước phòng trường hợp khẩn cấp. Nhờ “phương pháp phòng cháy” này, tỷ lệ xảy ra hỏa hoạn trong hoàng cung giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, Bắc Kinh thuộc phía Bắc Trung Quốc, mùa đông nhiệt độ thường xuống âm độ, rất nhiều sông ngòi đều bị đóng băng, lu nước để ở ngoài trời, chắc chắn nước cũng sẽ đóng băng. Nếu thế, chúng sẽ mất tác dụng phòng cháy.
Thế nhưng vì sao những lu nước này trải qua dòng chảy lịch sử hơn 600 năm vẫn chưa hề đóng băng?
Vào đợt tuyết rơi đầu tiên sau Tết âm lịch, nhiệt độ ở Bắc Kinh hạ xuống rất thấp. Khi đó, các thái giám trong cung sẽ phủ bên ngoài lu một lớp bông được làm riêng, có tác dụng giữ nhiệt. Đồng thời, họ cũng đậy nắp lu lại. Nhưng những cách này đều không thể hoàn toàn ngăn nước trong lu đóng băng, khi đến mùa đông giá rét, gần như chẳng có tác dụng nhiều. Vì vậy, khi mới chế tạo lu, các người thợ thủ công đã nghĩ ra biện pháp đối phó.
Khi chế tạo lu, người thợ đều đặt một bệ đá rỗng dưới đáy mỗi chiếc lu. Ngày thường, lu được đặt trực tiếp trên bệ đá. Vào mùa đông, thái giám sẽ châm thêm lửa than vào miệng bệ đá. Dùng lửa than để giữ nhiệt, ngăn nước trong lu đóng băng.
Để duy trì nhiệt độ ổn định, chốc chốc lại có thái giám hoặc cung nữ đến châm thêm lửa than. Bằng cách này, nước trong lu luôn có sẵn để chữa cháy bất cứ khi nào. Sau tiết Kinh Trập mùa xuân (ngày 5 hoặc 6 tháng Ba), người ta mới tắt lửa than trong bệ đá, vì khi đó nhiệt độ đã dần tăng lên, không cần tác động bên ngoài để nước đừng đóng băng nữa.
Chính nhờ 2 phương pháp này mà nước trong lu mới không đóng băng dù mùa đông ở Bắc Kinh rất lạnh. Tuy chỉ là phương pháp đơn giản, nhưng đã thể hiện được sự thông minh của cổ nhân khi đối mặt với các điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên.
Nguồn Sohu