Theo báo cáo triển vọng năm 2023 của Chứng khoán BIDV (BSC), các chuyên gia nhận định ngành ngân hàng có thể sẽ gặp một số cơn gió ngược chiều trong năm tới.
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành giảm tốc
Theo đó, BSC dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành giảm tốc xuống 12%. Nguyên nhân xuất phát từ việc tăng trưởng GDP được dự báo giảm tốc do xuất khẩu chậm lại khi nền kinh tế toàn cầu đứng trước rủi ro suy thoái và nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu dưới áp lực tăng của lạm phát. Thanh khoản hệ thống cũng là vấn đề cần được ưu tiên khi cung tiền tăng trưởng yếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có những bước lùi, và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng từ cho vay bán lẻ vẫn sẽ tiếp diễn. Với động lực chính từ cơ cấu dân số trẻ hóa, dư nợ cho vay bán lẻ ước tính ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 23% từ 2015 đến 2021, nhanh hơn nhiều mức 14% của tín dụng toàn hệ thống.
Theo các chuyên gia, cho vay bán lẻ vừa đem lại lợi suất cao hơn cho vay bán buôn vừa giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm rủi ro tập trung khi quy mô cho vay trên khách hàng thấp, từ đó có thể đa dạng hóa danh mục cho nhiều khách hàng.
Bên cạnh các ngân hàng tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém, BSC nhận thấy NHNN đang ưu ái hơn về room tín dụng cho các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao trong dư nợ. Do đó, cho vay bán lẻ được dự báo vẫn sẽ là xu hướng kéo dài trong các năm tới.
Năm 2023, mục tiêu chính sách điều hành của NHNN tập trung chủ yếu vào điều hành chính sách tiền tệ ổn định, chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, và kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tỷ lệ CASA có thể vẫn sẽ gặp áp lực
Tỷ lệ CASA trong quý III/2022 tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm. Trái ngược với tình cảnh lãi suất giảm ở hai năm đại dịch khi CASA toàn ngành tăng trưởng khá tích cực, đà tăng lãi suất hiện tại đang gây áp lực lên tỷ lệ CASA khi người dân bắt đầu có xu hướng phân bổ sang các khoản tiền gửi kỳ hạn dài hơn hoặc rút bớt lượng tiền nhàn rỗi để phục vụ HĐKD khi khả năng tiếp cận tín dụng đang bị hạn chế do môi trường lãi suất cho vay cao.
Do đó, các chuyên gia cho rằng xu hướng CASA giảm có thể sẽ vẫn tiếp diễn sang 2023. Một số ngân hàng có lợi thế về tỷ lệ CASA cao (>30%) và tỷ lệ dư nợ tín dụng trene vốn huy động (LDR) thấp sẽ có nhiều cơ hội nhất để duy trì chi phí vốn thấp, từ đó giữ vững NIM trước xu hướng gia tăng chi phí huy động.
Thanh khoản và chi phí vốn là yếu tố chính cần theo dõi
Thanh khoản cũng suy yếu khi tăng trưởng huy động vẫn đang lệch pha khá xa so với tăng trưởng tín dụng. Khoảng cách này kết hợp việc cung tiền M2 tăng trưởng yếu là các yếu tố thúc đẩy lãi suất huy động gia tăng. Thực tế là ngay khi NHNN tăng lãi suất điều hành, cuộc đua nâng lãi suất huy động cũng đã diễn ra giữa các NHTM.
Bên cạnh đó, NHNN vừa công bố Thông tư 26/2022/TT-NHNN về cách tính tỷ lệ LDR mới. Theo đó, các chuyên gia đánh giá chỉ có nhóm NHTM quốc doanh sẽ được giảm bớt áp lực về LDR khi phần tiền gửi của Kho bạc Nhà nước không còn bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi mẫu số ngay lập tức, từ đó tạo nhiều dư địa hơn để tăng trưởng cho vay.
Ngược lại, nhóm NHTM tư nhân không được hưởng lợi nhiều khi Thông tư mới này không đưa phần vốn chủ sở hữu vào cách tính LDR như dự thảo trước đây.
NIM toàn ngành sẽ giảm nhẹ trong 2023
Mặc dù có sự phân hóa giữa các ngân hàng, các chuyên gi cho rằng NIM toàn ngành sẽ giảm nhẹ trong 2023.
Theo BSC, nguyên nhân chính đến từ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ cần duy trì môi trường lãi suất cao một khoảng thời gian để đối phó với lạm phát. Bên cạnh đó, lãi suất đầu ra khó thể tăng kịp với lãi suất đầu vào do chênh lệch kỳ hạn giữa cho vay và huy động, đồng thời nguồn vốn rẻ CASA chịu áp lực sẽ tác động tiêu cực lên chi phí huy động.
Dù vậy, tác động lên NIM của từng ngân hàng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như tỷ lệ CASA, tỷ lệ LDR, nguồn vốn ngân hàng cho vay trung dài hạn, tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản (BĐS) và nắm giữ TPDN, tỷ trọng đi vay thị trường 2,…
Ngoài ra, chất lượng tài sản ngành ngân hàng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, tuy nhiên có rủi ro suy giảm do ảnh hưởng từ thị trường BĐS và TPDN.
BSC dự báo chi phí tín dụng sẽ gia tăng trong 2023 và các ngân hàng có thể sẽ phải quay lại củng cố bộ đệm dự phòng. Tuy nhiên, cấu trúc hệ thống và sức khỏe của ngành ngân hàng hiện tại tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi các khoản cho vay doanh nghiệp đã được đánh giá và kiểm soát rủi ro chặt chẽ. Do đó, các chuyên gia đánh giá cao các ngân hàng có bộ đệm dự phòng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu lớn sẽ chịu ít áp lực hơn so với phần còn lại.