Thách thức và cơ hội
Ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Travelogy Việt Nam - cho biết, trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, Trung Quốc là một trong những thị trường khách quốc tế lớn nhất thế giới. Vào năm 2019, Việt Nam đón khoảng gần 6 triệu lượt khách Trung Quốc tương đương 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
“Do chính sách zero Covid, Trung Quốc gần như đóng cửa biên giới, vì thế trong 3 năm từ 2020-2022, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam không thể đón được khách Trung Quốc. Bắt đầu từ ngày 8/1 Trung Quốc đã mở cửa trở lại, hầu hết các quốc gia đưa ra chính sách thu hút lượng khách Trung Quốc trong đó có Việt Nam”, ông Vũ Văn Tuyên cho biết.
Ngày 6/2, Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp nước này nối lại hoạt động đưa khách theo nhóm đi du lịch nước ngoài, với danh sách 20 nước. Các nước Trung Quốc cho phép mở tour trở lại gồm 11 nước ở châu Á - Thái Bình Dương gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Maldives, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, New Zealand và Fiji. Các quốc gia còn lại là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Kenya, Nam Phi, Nga, Thụy Sĩ, Hungary, Cuba và Argentina. Tuy nhiên, trong danh sách này không có Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - CEO công ty AZA Travel - nhận định, dù Trung Quốc thông báo mở cửa nhưng để hoàn toàn mở cửa Trung Quốc vẫn cần thời gian để hoàn thiện các quy định liên quan như vấn đề về visa, kiểm soát dịch bệnh...
“Trung Quốc cũng cần thông qua các kênh ngoại giao để xem các nước đã sẵn sàng để đón khách Trung Quốc chưa. Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam chiếm khoảng 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam, vậy chúng ta cũng cần xem đã sẵn sàng chưa?”, ông Nguyễn Tiến Đạt nêu.
Ông Đạt cũng cho rằng, sau 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, các cơ sở lưu trú, các hãng hàng không cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước sự "đổ bộ" của khách Trung Quốc - thị trường du lịch lớn của Việt Nam. Bởi khách Trung Quốc có đặc trưng là đi đoàn lớn, thường bao trọn cả một khách sạn lên đến hàng trăm phòng, hoặc những nhà hàng có thể đón lượng khách đông.
“Chúng ta cần thời gian để các doanh nghiệp chuyên đón khách Trung Quốc tái khởi động, sẵn sàng đón lượng lớn du khách Trung Quốc”, ông Đạt cho hay.
Cũng theo ông Đạt, Việt Nam không nằm trong danh sách cho phép mở tour của Trung Quốc được cho là cơ hội để nhìn nhận lại cách đón tiếp du khách Trung Quốc, chuyển hướng từ diện rộng, số lượng theo hướng chất lượng, nâng tầm thương hiệu du lịch Việt, giảm thiểu hình thức tour du lịch 0 đồng.
Các chuyên gia du lịch cho rằng tháng 3/2023 sẽ là thời điểm thích hợp để Trung Quốc và Việt Nam nối lại du lịch.
Mong chờ cơ quan quản lý nhà nước
Ngay khi có thông tin Trung Quốc mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp du lịch và lữ hành hưởng ứng hội nghị về đón khách Trung Quốc tại Quảng Ninh vào tháng 1/2023.
Trao đổi với PV Tiền Phong , bà Ngô Thị Lan Phương - Giám đốc CTCP Lữ hành quốc tế Kim Liên, đơn vị chuyên đón khách Trung Quốc - cho biết, từ 8/1, khách Trung Quốc bắt đầu được xuất ngoại theo diện thăm thân, kinh doanh... Một số địa phương bắt đầu đón khách Trung Quốc từ dịp Tết Nguyên đán 2023. Tuy nhiên, đó chỉ là khách lẻ.
“Chúng tôi cũng bất ngờ và buồn khi Trung Quốc thí điểm cho phép tổ chức tour đoàn ở 20 quốc gia từ ngày 6/2 nhưng không có Việt Nam. Đó là thiệt thòi lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, bởi vì chúng ta có ba cửa khẩu lớn với Trung Quốc, giao thông thuận lợi”, bà Lan Phương nói.
Thị trường Trung Quốc vẫn được xem là tiềm năng, chiến lược và góp phần phục hồi du lịch nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đón đầu chính sách mở cửa của Trung Quốc và sớm lên phương án chuẩn bị.
“Khách du lịch Trung Quốc thay đổi rất nhiều, chúng tôi chuẩn bị mẫu đăng ký trực tuyến cho du khách Trung Quốc mua tour sang Việt nam. Nhiều đối tác Trung Quốc cũng liên hệ để ký hợp đồng, tuy nhiên trong đợt thí điểm mở cửa lại chưa có tour đến Việt Nam”, bà Lan Phương thông tin.
Thái Lan đón tới 40 chuyến bay từ Trung Quốc mỗi ngày. Chính vì thế nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế mong mỏi Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch sớm tháo gỡ nút thắt.
“Trung Quốc không cấm khách lẻ, tuy nhiên đặc điểm của du khách Trung Quốc là khách chủ yếu đi theo đoàn. Chính vì thế chúng tôi mong đợi cơ quan quản lý nhà nước sớm có hướng dẫn, định hướng liên quan chính sách đón khách, đổi mới sản phẩm và xúc tiến đối với thị trường Trung Quốc”, bà Lan Phương đề xuất.