Chứng khoán

Năm kinh doanh ‘buồn’ của 2 ông lớn hàng không

2 “ông lớn” hàng không lỗ nặng trong năm 2022

Sau 2 năm 2020 và 2021 khó khăn với ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, các hãng hàng không Việt trong năm 2022 lại tiếp tục đối mặt với nỗi lo về lạm phát, ảnh hưởng từ tỷ giá và tăng giá nguyên liệu….

Điều này được thể hiện thông qua KQKD của 2 “ông lớn” hàng không niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trước hết, CTCP Hàng không VietJet (HoSE: VJC) dù ghi nhận doanh thu quý IV/2022 tăng trưởng 323,42% so với cùng kỳ đạt 11.807 tỷ đồng, nhưng lại ghi nhận lỗ ròng 2.359 tỷ đồng, con số này tăng mạnh so với quý IV/2021 chỉ lỗ khoảng 93,3 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, VJC lỗ ròng 2.171 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 122 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên VJC báo lỗ.

VJC cho biết ngành hàng không trong năm 2022 đã chịu ảnh hưởng do chi phí nhiên liệu bay với giá nhiên liệu bay bình quân ở mức 130 USD/thùng. Ngoài ra, công ty cho biết KQKD lỗ do VJC đã chuyển lợi nhuận trên 3.559 tỷ đồng về công ty mẹ để tăng cường đầu tư tài sản mua mới 1 tàu bay A321 NEO từ Airbus và 2 tàu bay A321 từ các đối tác cho thuê tàu bay (Lessor) và 3 động cơ.

Tương tự, việc thị trường quốc tế phục hồi mạnh đã giúp doanh thu thuần Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HoSE: HVN) quý IV/2022 đạt 19.471 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn chịu lỗ trong kỳ gần 2.586 tỷ đồng, tăng gần 130%. Luỹ kế cả năm 2022, HVN lỗ ròng 10.400 tỷ đồng.

HVN cho biết lỗ quý IV/2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021 chủ yếu do lỗ của công ty mẹ, Pacific Airlines, Công ty Dịch vụ mặt đất tăng. Ngoài ra, tại BCTC quý IV, HVN có phát sinh khoản lãi do thoái vốn tại công ty liên kết.

Như vậy, tính đến hết ngày 31/12/2022, lũy kế lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ HVN ghi nhận âm xấp xỉ 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng hàng không này âm 10.199 tỷ đồng.

Căn cứ theo điều 120 nghị định 155 quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị huỷ niêm yết trong các trường hợp gồm: Lỗ 3 năm liền hoặc tổng lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Do vậy, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã lưu ý HVN về khả năng huỷ niêm yết cổ phiếu nếu tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.

Trong khi đó, CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel - UPCOM: VTR) trong quý IV/2022 ghi nhận lãi ròng 229,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,44% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế cả năm 2022, VTR ghi nhận con số lãi 121,8 tỷ đồng, trong khi năm trước lợi nhuận âm 257 tỷ đồng.

CTCP Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) tính đến ngày 31/12/2022 sở hữu 43,92% vốn CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel - UPCOM: VTR) nắm 43,92%.

Điểm sáng nhóm dịch vụ/phụ trợ hàng không

Năm kinh doanh ‘buồn’ của 2 ông lớn hàng không - Ảnh 1.

Với sự phục hồi của du lịch trong và ngoài nước, các hãng hàng không hoạt động tích cực trở lại, nhóm dịch vụ/phụ trợ hàng không tiếp tục có quý kinh doanh khả quan.

Đứng đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận là CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, UPCOM: SAS). Theo đó, SAS trong quý IV/2022 ghi nhận doanh thu thuần 559 tỷ đồng, cao hơn 9 lần so với cùng kỳ. Lãi ròng SAS đạt 89 tỷ đồng, gấp 32 lần.

Lũy kế cả năm 2022, SAS ghi nhận doanh thu thuần 1.400 tỷ đồng, tăng 336% so với năm 2021, lãi ròng 210 tỷ đồng – tăng gấp 70 lần. Tính ra, SAS đã lần lượt vượt 4% chỉ tiêu doanh thu và 156% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Xếp sau SAS là CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HoSE: SGN) với lãi ròng quý IV/2022 tăng trưởng đột biến 391,4% đạt 28,5 tỷ đồng. Cả năm, công ty ghi nhận doanh thu 995 tỷ đồng, gấp đôi năm 2021; lãi ròng đạt 136 tỷ đồng, tăng bằng lần so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, lãi sau thuế Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (UPCOM: ACV) quý IV/2022 đạt 1.284 tỷ đồng, gấp 4,3 lần nền thấp cùng kỳ năm trước; CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (HoSE: NCT) ghi nhận lãi 67 tỷ đồng, tăng trưởng gần 22%.

Đáng chú ý, nhiều đơn vị đồng loạt báo lãi quý IV/2022, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ ròng như: CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (UPCOM: NCS), CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (HoSE: AST), CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (HNX: MAS).

Trong khi đó, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HoSE: SCS) là đơn vị duy nhất ghi nhận lãi ròng quý IV/2022 giảm nhẹ 0,4% xuống mức 157,3 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm